Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2017, ngành LĐ-TB-XH đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, như: tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó các huyện nghèo giảm khoảng 5%).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Bộ LĐ-TB-XH trong năm 2017 ở nhiều lĩnh vực đã có tiến bộ, từ an toàn lao động, công tác bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, trẻ em, quan hệ quốc tế... Bên cạnh đó, nhiều chính sách được ban hành, nhất là chính sách liên quan đến người có công, giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng... Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại bất cập trong ngành LĐ-TB-XH như: năng suất lao động thấp, thu nhập của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định, thất nghiệp còn cao, nhất là sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH trong năm 2018 cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo; nhất là đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã đi địa phương, nhiều người dân đến nhiệm sở giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực LĐ-TB-XH không phải đơn giản đâu. Đi vừa xa vừa phải chờ đợi, thậm chí có những việc không hay trong quan hệ giữa các đối tượng với Sở LĐ-TB-XH. Chúng ta phải làm việc với trách nhiệm và tấm lòng để giải quyết vấn đề các đối tượng ở địa phương. Bộ LĐ-TB-XH phải xem lại các phòng của các sở đã làm việc đến nơi đến chốn chưa”. Các vấn đề khác như: tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em... Bộ LĐ-TB-XH cần đặt ra chương trình hành động để khắc phục và giám sát, quản lý tốt hơn nữa; rà soát các chính sách an sinh xã hội, để sửa đổi bổ sung và ban hành thay thế những chính sách mới cho phù hợp.
Liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều, Thủ tướng lưu ý trong lần sửa đổi bộ luật Lao động tới đây, Bộ LĐ-TB-XH cần tính toán tuổi nghỉ hưu cho hợp lý. Thủ tướng bày tỏ: “Có nhiều người nói tuổi thọ trung bình của VN đã tăng lên 73 - 74 tuổi, nhưng vẫn để tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 tuổi và 60 tuổi đối với nam có lãng phí không? Có vỡ quỹ bảo hiểm xã hội không? Tất cả những vấn đề đó, Bộ LĐ-TB-XH cần tính toán lại tuổi nghỉ hưu cho hợp lý. Cùng với đó là vấn đề lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết, nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ vừa đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng cho doanh nghiệp làm cho tính cạnh tranh giảm đi”.Đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến ngành LĐ-TB-XH trong thời gian tới, theo Thủ tướng nếu không chủ động sẽ đánh mất thời cơ và hệ lụy rất xấu, nhất là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động và người lao động ở một số ngành nghề có nguy cơ thất nghiệp. Thủ tướng cho rằng Bộ LĐ-TB-XH quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và các trường nghề... phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công tác dạy nghề.
Nhân dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cần quan tâm đến người cô đơn, người nghèo, người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng thiên tai, người ở công trường, bệnh viện...
Tuyệt đối chống tham nhũng chính sách
Chiều 17.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng lưu ý Văn phòng Chính phủ khi tham mưu, đề xuất chính sách phải vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì nhân dân, không vì lợi ích cá nhân, tuyệt đối chống lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách.
Nêu 3 nguyên nhân làm đất nước chậm phát triển là chưa thực hiện nghiêm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều chính sách còn bất cập, kỷ cương phép nước không nghiêm và tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, Thủ tướng yêu cầu công tác tham mưu tổng hợp, nghiên cứu chính sách phải khắc phục các vấn đề này. Tiếp đó, phải tham mưu để tìm ra dư địa giải phóng sức sản xuất, để VN phát triển mạnh mẽ hơn, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Phải tham mưu tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh với những giải pháp cụ thể để hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Thanh Niên