Cẩn trọng với những tai nạn gây thương tích rình rập trẻ trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào những ngày Tết, các bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị hóc di vật, tai nạn giao thông, uống nhầm hóa chất... Theo các bác sĩ, đây là những tai nạn thường gặp ở trẻ mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Vào những ngày giáp Tết và Tết, các bậc cha mẹ, phụ huynh thường bận bịu chuẩn bị đón Tết, trong khi người giúp việc về quê ăn Tết chưa lên lại nên không có người trông trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ có thể bị các tai nạn trong nhà như dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương...

Dị vật đường thở

Theo các bác sĩ, dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc. Đặc biệt, trong những ngày Tết, các gia đình thường sử dụng các loại hạt để cắn như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt giẻ hay ngay cả kẹo mứt… đặc biệt khi trẻ vừa ăn vừa cười giỡn hoặc khóc rất dễ bị dị vật đường thở.

Cẩn trọng với những tai nạn gây thương tích rình rập trẻ trong dịp Tết ảnh 1
Hóc dị vật là tai nạn thường gặp nhiều nhất ở trẻ vào những dịp Tết đến Xuân về (ảnh minh hoạ).

Theo Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), vào những ngày cận Tết, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị dị vật đường thở. Chẳng hạn như trường hợp của một bé gái 2 tuổi khi được người nhà chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, co gồng tay chân. Bác sĩ Huỳnh Minh Thiện, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bé được đặt nội khí quản, thở máy và nội soi phế quản cấp cứu trong đêm. Các bác sĩ hút ra nhiều mảnh hạt bí làm bít tắc đường thở. May mắn là bé phục hồi được tri giác và hô hấp ổn định.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thiện, mức độ nguy kịch khi dị vật kẹt trong đường thở có nhiều mức độ như khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản; suy hô hấp, tím tái nếu dị vật bít tắc 1 phần khí quản, di chuyển trong khí quản hoặc bít hoàn toàn phế quản gốc 1 bên. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não.

Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ ăn các thức ăn dễ sặc vào đường thở như hạt dưa, hạt bí, hạt đậu… Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý trẻ em trong các tình huống sau: không cười đùa hoặc nói lúc thức ăn đang trong miệng; không cho trẻ ăn lúc đang khóc, đang ho; không sử dụng ống hút để hút các thức ăn, uống có dạng hạt tròn…

Theo các bác sĩ, ngày Tết các gia đình thường dự trữ dầu hôi trong các loại chai nước ngọt để châm đèn dầu, hay cồn xe nhang hoặc nước tro tàu… trẻ nhỏ có thể bò đi quanh nhà và có thể đưa những chai nước đựng hóa chất lên miệng uống dẫn đến ngộ độc hoặc có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm “thấy” của trẻ.

Các tai nạn thương tích

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi để châm trà, hoặc để các thức ăn nấu nóng hoặc hâm nóng trên bàn, trẻ bóc phải hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây phỏng trẻ; hay phụ huynh ủi đồ ngày Tết quên để bàn ủi nơi trẻ sờ tới được, gây phỏng. Bên cạnh đó, các gia đình thường dùng đèn chùm trang trí trên các chậu cây kiểng, nhang điện, đèn hào quang nhấp nháy ở các bàn thờ rất hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật.

Các loại cây kiểng có gai, hoặc hoa mai giả gắn trên cành cây khô bằng dây kẽm sắc nhọn hoặc những chậu kiểng nhỏ để nơi cao trẻ với tới làm đổ va vào trẻ cũng dễ gây thương tích cho trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, các bậc phụ huynh nên để xa chậu kiểng khỏi tầm với trẻ, tránh trang trí cây kiểng, nội thất bằng sử dụng dây kẽm, vật sắc nhọn.

Các bác sĩ cũng cảnh báo thêm, trong thời gian cận Tết và Tết, lượng phương tiện giao thông di chuyển nhiều nên nhiều trẻ phải nhập viện vì tai nạn giao thông, trong đó tập trung chủ yếu ở hai độ tuổi trẻ mầm non và trẻ lứa trung học cơ sở. Các bé mầm non khi xảy ra tai nạn được ghi nhận không đội mũ bảo hiểm, ngồi ngay phía sau tay lái nên khi xảy ra va chạm thường bị văng ra ngoài, va đập mạnh gây chấn thương nghiêm trọng. Nhóm thứ hai là các trẻ lớn, biết tự đi xe đạp. Một số bé tuy chưa đủ tuổi nhưng vẫn lấy xe máy của gia đình đi chơi cùng bạn bè.

Theo các bác sĩ, phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quí phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.