Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, lúc 7 giờ ngày 10/9, nước lũ trên sông Cầu, sông Đuống đang lên nhanh. Mực nước tại trạm Đáp Cầu là 6,12m (dưới báo động 3: 0,18m); tại trạm Bến Hồ là 6,56m (dưới báo động 1: 0,24m); tại trạm Phúc Lộc Phương lúc 8 giờ 50 phút đạt báo động 3 là 8m.
Dự báo trong 6 giờ đến 12 giờ tới, mực nước lũ trên sông Cầu tại trạm Phúc Lộc Phương và Đáp Cầu tiếp tục lên trên báo động 3. Trong 12-24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Cầu tiếp tục tăng chậm trên báo động 3. Trong 24 giờ tới, mực nước trên sông Đuống khả năng ở mức trên báo động 1 đến báo động 2. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.
Mực nước lũ có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, tại các xã: Tam Giang, Hòa Tiến, Dũng Liệt (huyện Yên Phong); phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh); xã Tân Chi (huyện Tiên Du), thôn Quế ổ, xã Chi Lăng và xã Hán Quảng (thị xã Quế Võ)… Mực nước sông lên cao gây ngập lụt vùng ven sông ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt nhân dân, đề phòng nguy hiểm đối với giao thông đường thủy.
Đêm 9/9, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh cùng các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát ngay các trường hợp đang sinh sống ngoài bãi sông Cầu có nguy cơ mất an toàn đến tính mạng; tổ chức di chuyển nhân dân đến khu vực an toàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hiện nay, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Ninh Bình đang lên. Mực nước lúc 6 giờ ngày 10/9 tại Bến Đế là 3,50m (ở mức báo động 2), sông Đáy tại Ninh Bình 2,89m (dưới báo động 2: 0,11m). Dự báo trong 12 - 24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đang lên, đỉnh lũ có khả năng lên mức báo động 3. Trên Sông Đáy tại Ninh Bình, mực nước tiếp tục lên chậm, khả năng đạt đỉnh thứ nhất vào trưa 10/9, ở mức xấp xỉ báo động 3.
Mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia viễn, thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn dẫn đến nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là có thể gây nguy hiểm đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội...
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đề nghị các đơn vị thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Các đơn vị tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định... Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương vận hành các trạm bơm để tiêu kiệt nước...