Cảnh sát New York bắt giữ sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các sĩ quan thuộc Sở cảnh sát New York đã di chuyển đến khuôn viên trường Đại học Columbia vào tối thứ Ba để đàn áp những người biểu tình tại tòa nhà Hamilton Hall.
Cảnh sát New York bắt giữ sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine

Hàng chục sinh viên đã bị bắt giữ sau khi hàng trăm cảnh sát New York tiến vào khuôn viên Đại học Columbia vào tối thứ Ba để tiến hành đàn áp tại một tòa nhà đã bị chiếm giữ trong một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.

Hình ảnh trực tiếp cho thấy cảnh sát mặc quân phục chống bạo động tiến vào trong khuôn viên trường ở khu Upper Manhattan, tâm điểm của các cuộc biểu tình sinh viên trên toàn quốc phản đối cuộc diệt chủng của Israel tại Gaza.

Cảnh sát New York cho biết họ đã sử dụng xe bọc thép và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông nhưng phủ nhận việc sử dụng hơi cay.

Không lâu sau, các sĩ quan dẫn những người biểu tình bị trói bằng dây thít ra các xe buýt cảnh sát đợi sẵn bên ngoài cổng trường. Người phát ngôn của Sở cảnh sát New York Carlos Nieves cho biết ông chưa nhận được báo cáo nào về thương vong sau vụ bắt giữ.

“Chúng tôi sẽ dọn dẹp tòa nhà,” cảnh sát hét lên khi họ tiến đến lối vào bị chặn của tòa nhà.

"Nhục nhã! Nhục nhã!" nhiều sinh viên đứng quan sát từ bên ngoài khuôn viên trường chế nhạo.

Sophie, một người biểu tình ở trường Columbia, tuyên bố cảnh sát đã bao vây những người biểu tình bên trong các tòa nhà trước khi bắt giữ.

“Điều này sẽ không bị lãng quên,” cô nói. “Đây không còn là vấn đề Israel-Palestine nữa. Đây là vấn đề về nhân quyền, tự do ngôn luận và vấn đề của sinh viên Columbia.”

Hoạt động đàn áp của cảnh sát kết thúc trong vòng vài giờ sau gần hai tuần căng thẳng. Vụ việc bắt nguồn từ những người biểu tình ủng hộ Palestine tại trường đại học đã phớt lờ tối hậu thư vào thứ Hai buộc họ phải bỏ nơi cắm trại hoặc đối diện nguy cơ bị đình chỉ.

Hôm thứ Ba, các quan chức của Đại học Columbia đã đe dọa đuổi học những sinh viên đã chiếm giữ Hamilton Hall. Tòa nhà này bị bao vây bởi những người biểu tình khoác tay nhau để tạo thành rào chắn và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Palestine.

Phía Đại học Columbia cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ đã yêu cầu sự can thiệp của cảnh sát để “khôi phục lại an toàn và trật tự cho cộng đồng”.

Tuyên bố còn đề cập: “Sau khi phía trường Columbia được biết Hamilton Hall đã bị chiếm đóng, phá hoại và phong tỏa, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nhân viên bảo an của Columbia đã bị buộc phải rời khỏi tòa nhà và một người trong nhóm phụ trách cơ sở vật chất đã bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không đánh đổi sự an toàn của cộng đồng hoặc nguy cơ gia tăng căng thẳng thêm nữa”.

Phía trường Columbia nhắc lại quan điểm rằng nhóm “đột nhập và chiếm giữ tòa nhà” được cầm đầu bởi những cá nhân “không liên quan tới trường đại học”.

Nghị sĩ New York Jamaal Bowman cho biết ông cảm thấy “phẫn nộ” trước sự hiện diện của cảnh sát tại trường Columbia và các trường đại học khác ở New York.

“Việc quân sự hóa các khuôn viên trường đại học, sự hiện diện rộng rãi của cảnh sát và hành động bắt giữ hàng trăm sinh viên là đi ngược lại với vai trò của giáo dục, vốn là một nền tảng của nền dân chủ của chúng ta", ông Bowman khẳng định.

Chủ tịch Đại học Columbia Minouche Shafik đã yêu cầu sự hiện diện của cảnh sát cho đến ngày 17 tháng 5 “để duy trì trật tự và đảm bảo các khu trại không được tái lập”.

Trước đó, bà Shafik cho biết nỗ lực đạt được thỏa hiệp với những người đứng đầu cuộc biểu tình đã thất bại và phía Columbia sẽ không nhân nhượng trước yêu cầu ngừng viện trợ Israel.

Tờ New York Times đưa tin thêm về hàng chục vụ bắt giữ tại Đại học Thành phố New York, một phần của hệ thống City University of New York (CUNY), khi một số sinh viên rời Đại học Columbia và di chuyển về phía bắc đến khuôn viên trường này, nơi vẫn diễn ra cuộc biểu tình ôn hòa.

Một quan chức thuộc Sở cảnh sát New York xác nhận rằng phía CUNY đã yêu cầu cảnh sát giải tán những người biểu tình trong khuôn viên trường.

Tại cuộc họp báo tối thứ Ba, Thị trưởng New York Eric Adams và các quan chức cảnh sát thành phố cho biết việc chiếm giữ Hamilton Hall là do “những kẻ kích động bên ngoài” xúi giục, những người không có bất kỳ liên kết nào với trường Columbia và được nhận diện bởi cơ quan thực thi pháp luật do hành vi mang tính kích động.

Ông Adams cho rằng một số sinh viên không có nhận thức đầy đủ về “các tác nhân bên ngoài” đang trà trộn vào cuộc biểu tình.

Thị trưởng nói: “Chúng ta không thể và sẽ không cho phép một cuộc biểu tình ôn hòa biến thành một cảnh tượng bạo lực vô ích. Chúng ta không thể đợi cho đến khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Điều này phải kết thúc ngay bây giờ”

Hamilton Hall là một trong nhiều tòa nhà bị chiếm đóng trong cuộc biểu tình thuộc phong trào dân quyền và chống chiến tranh Việt Nam năm 1968 trong khuôn viên trường. Tuần này, sinh viên biểu tình đã treo một biểu ngữ lớn với dòng chữ “Hind's Hall” để tưởng nhớ tới Hind Rajab, một bé gái 6 tuổi người Palestine ở Thành phố Gaza đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bởi quân đội Israel hồi đầu năm nay.

Seyma Beyram, giáo sư ngành báo chí thuộc Đại học Columbia, chia sẻ trên X rằng cô và các đồng nghiệp của mình bị mắc kẹt trong một khu nhà bị bao vây bởi cảnh sát. “Tất cả những gì tôi có thể ghi lại lúc này là cảnh sinh viên bị đưa lên một trong những chiếc xe buýt.”

Vào tối thứ Ba, đài phát thanh sinh viên Columbia đưa tin rằng hiệu trưởng trường báo chí Jelani Cobb bị đe dọa bắt giữ nếu ông và những người khác trong tòa nhà bước ra ngoài. Những người biểu tình hô vang bên ngoài tòa nhà “Palestine tự do, tự do, tự do”. Những người khác hét lên: “Thả tự do cho các sinh viên.”

Khi cảnh sát rời đi, một sinh viên tại CUNY nói: “Chúng tôi đã hòa giải và bây giờ cảnh sát đang rời đi. Chúng tôi tự hào vì đã dám đứng lên vì điều gì đó. Tất cả những gì chúng tôi muốn nói là sinh viên không chấp nhận việc học phí của mình đang được sử dụng để tài trợ cho các cuộc chiến tranh và chúng tôi muốn tìm cách can thiệp mà không gây ra bạo lực.”

Theo The Guardian
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.