Anh Trần Trung Tuyến, lái xe một hãng taxi cho biết, tôi thường xuyên đưa khách đi từ Hải Phòng về Quảng Ninh và ngược lại. Kể từ khi thông tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng việc đi lại trở lên thuận tiện hơn, thời gian di chuyển giảm đi rất nhiều. “Tuy nhiên không hiểu kỹ thuật thi công thế nào mà hiện tại mặt cầu Bạch Đằng đoạn giữa 3 trụ cầu rất cong võng. Nhiều anh em lái xe còn nói vui là nếu đi nhanh thì không khác nào đi trên ruộng bậc thang”, anh Tuyến nói.
Cùng nhận định với anh Tuyến, anh Nguyễn Trung Kiên, người dân TP.Hạ Long cũng cho biết, nếu sắp tới điều chỉnh tốc độ tuyến cao tốc này lên 120km/h thì sẽ rất nguy hiểm. “Có lần tôi đi với tốc độ cao qua đoạn này xe còn bay lên khỏi mặt đường. Không hiểu trước khi đưa vào sử dụng việc nghiệm thu cầu được tiến hành như thế nào mà chất lượng mặt cầu lại kém như thế. Mặt cầu cong võng như vậy mà chủ đầu tư không khắc phục mà đã tiến hành thu phí", anh Kiên nói.
Còn theo các thành viên trên diễn đàn Otofun Quảng Ninh, nếu lái xe nào mới đi qua đoạn cầu này lần đầu sẽ bị giật mình vì mặt cầu lồi lõm rất khó lái, xe chạy nhanh trên 100 km/h nguy cơ va chạm với các xe chạy song song rất lớn. Nhiều thành viên cũng đặt ra câu hỏi nguyên nhân vì sao mà mặt cầu vừa thi công xong đã cong võng khó hiểu?
Đoạn đường dẫn lên cầu không có hiện tượng cong võng liên tục như vậy. |
Để kiểm chứng những phản ánh của lái xe, phóng viên Dân Việt đã đi thực tế tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào sáng 31.10, từ thành phố Hạ Long lên đến trạm thu phí cầu Bạch Đằng chất lượng mặt đường khá tốt, không có hiện tượng lồi lõm. Tuy nhiên khi xe di chuyển từ trụ đầu tiên cầu Bạch Đằng đến trụ cầu thứ 3 thì có hiện tượng bồng bềnh, đi chậm có thể thấy được mặt cầu có nhiều chỗ cong võng với độ võng sâu.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng xác nhận, đúng là có hiện tượng mặt cầu đoạn giữa các trụ chữ H bị uốn lượn như nhiều lái xe phản ánh. Ông Thảo giải thích, nguyên nhân là do cầu Bạch Đằng sử dụng công nghệ rất phức tạp. Các nhịp cầu dài làm bằng dầm bê tông cốt thép nên khi ghép vào nhau rất khó để bằng phẳng. Bên cạnh đó, lực căng của dây cáp lại biến thiên không đều làm các khớp nối không đều nhau nên dẫn tới tình trạng mặt cầu bị uốn lượn như hiện nay.
"Cầu Bạch Đằng là một trong những cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới. Đây cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất lần đầu tiên do người Việt đảm nhận nên đơn vị thi công cũng có ít kinh nghiệm. Do thời gian thi công rất gấp nên ngay khi thảm xong mặt cầu đã xuất hiện tình trạng cong võng này. Hiện công ty đã bố trí các thiết bị quan trắc để chờ cho đến khi mặt cầu ổn định thì sẽ tiến hành các bước bù vênh. Tuy nhiên về thời gian quan trắc chúng tôi chưa biết chắc được là cho tới khi nào", ông Nguyễn Ngọc Thảo nói.
Ông Thảo cũng thừa nhận, nếu phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ trên 100km/giờ sẽ không đảm bảo an toàn. Độ lún chênh lệch lớn nhất lên đến khoảng 20cm.
Được biết, mặc dù đơn vị thi công còn đang chờ lún để bù vênh mặt cầu thì công trình đã được nghiệm thu để đưa vào sử dụng và tiến hành thu phí từ ngày 15.10. Mức thu phí cầu Bạch Đằng thấp nhất là 35.000/lượt, áp dụng với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất là 180.000 đồng/lượt đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 fit. Mức phí này được điều chỉnh theo phương án tài chính sau 3 năm/lần, hệ số tăng 1,18% bắt đầu áp dụng từ năm 2021.
Mới đây, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh thực hiện rà soát, xem xét lộ trình điều chỉnh tốc độ tối đa tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng từ 80km/h lên 100km/h vào ngày 1.1.2019. Tỉnh Quảng Ninh cũng xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép để đồng nhất 120km/h với tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT, khởi công tháng 9.2014 có tổng chiều dài 5,3km, tổng vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 11.000 lượt xe lưu thông qua cầu. Sau 4 năm thi công với nhiều lần chậm tiến độ do năng lực nhà thầu yếu kém, đến ngày 1.9.2018, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, đưa vào khai thác.