Lương Minh Quang, dân tộc Nùng, sinh năm 2002 tại xã Lương Can, huyện Thông Nông (nay thuộc huyện Hà Quảng), tỉnh Cao Bằng. 9 tuổi mồ côi cha, 10 tuổi mất mẹ (mẹ bỏ đi, không rõ tung tích). Quang và hai em nheo nhóc ở lại, nương tựa vào ông bà nội đã già.
Quang lớn nhất, lên lớp 7 thì ông bà không gánh nổi nữa, Quang được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Năm ngoái, ông nội ốm yếu qua đời, giờ chỉ còn bà nội lưng còng chăm cho hai em. Nỗ lực vươn lên để lo được cho mình, cho bà và các em, Quang đã chuyên chú học tập, là tấm gương cho các em bé mồ côi ở Trung tâm, từng bước biến ước mơ trở thành sinh viên Đại học rồi làm bác sĩ thành hiện thực.
Thế nhưng, nỗi lo lắng và gánh nặng tâm lý làm tim mạch đập nhanh hơn bình thường đã khiến Quang phải dừng bước ở vòng sơ loại vào Học viện Quân Y. Lúc này, Quang đang rất hoang mang, lo lắng, dù với số điểm xét tuyển xuất sắc (28,55/3 môn khối B), em có thể đủ điểm để vào Đại học Y Thái Nguyên, nhưng khao khát cháy bỏng của Quang vẫn là trở thành một bác sĩ Quân y, vừa để đỡ gánh nặng chi phí học tập, vừa được trưởng thành trong môi trường đào tạo của Quân đội... Ngày Nay đã có cuộc trao đổi ngắn với Quang.
Phóng viên: Chào Lương Minh Quang! Được biết em đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia và đạt được số điểm khối B rất tốt: Toán 8,8; Hoá 8; Sinh 9. Cộng thêm ưu tiên, điểm xét tuyển vào đại học của em là 28,55. Em cảm thấy như thế nào về chặng đường vừa qua và kết quả đạt được?
Lương Minh Quang: Để đạt được thành quả như trên, trong những năm tới trường và đặc biệt là năm lớp 12, em đã cố gắng học tập rất nhiều. Ngoài thời gian trên lớp, em còn xin thầy cô cho em đến nhà hỏi thêm bài vở, học thêm qua mạng Internet. Hàng ngày, gần như em không có thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt là trong thời gian ôn thi, em chỉ dành 4 tiếng để ngủ, thời gian còn lại em cắm đầu vào việc học.
Đôi khi, em cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ, nhưng rồi nghĩ về cuộc sống của mình, nghĩ về các em, nghĩ về những lời động viên của thầy cô, cô chú trung tâm, em lại có thêm động lực để phấn đấu học tập. Với em, nỗ lực vượt qua chính bản thân mình và đạt được kết quả ấy, em thực sự cảm thấy hài lòng.
Cuộc sống ở Trung tâm bảo trợ đã giúp cho Quang rèn rũa được bản lĩnh và ý chí để vượt qua những bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống |
Phóng viên: Ai hay điều gì đã truyền cảm hứng cho em và khiến em nỗ lực học tập? Có ai đó mà em biết ơn tận sâu thẳm trái tim mình?
Lương Minh Quang: Bố em mất do bệnh hiểm nghèo, bố em mất được 1 năm thì mẹ em bỏ nhà đi không có tung tích. Từ đó cuộc sống của em dường như mất tất cả. Em cùng 2 em phải sống với ông bà nội. May mắn thay, em được vào sinh sống và học tập tại ngôi nhà chung Trung tâm BTXH tỉnh Cao Bằng. Nếu bố em không mất do bệnh hiểm nghèo thì cuộc sống của em đã không ra như vậy. Nghĩ thế, em khao khát và mơ ước trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.
Phóng viên: Giờ đây, em đã là một chàng trai 18 tuổi - độ tuổi thành niên, có quyền công dân và hoàn toàn đủ điều kiện để chịu trách nhiệm với chính bản thân, trước pháp luật và với xã hội. Thế nhưng những ngày đau buồn mẹ mất tích, cha qua đời, có lẽ sẽ là ký ức không bao giờ có thể quên được. Em có nhớ hình ảnh của chính mình khi đó, em đã nghĩ gì?
Lương Minh Quang: Bố em mất từ năm em lớp 4. Mẹ em bỏ nhà đi năm em học lớp 5. Trong thời gian đau buồn ấy, em cảm thấy vô vọng, không có tương lai, dường như chỉ muốn chết đi để cuộc sống đỡ khổ. Em nhớ những ngày mưa, ngày nắng, các bạn được bố mẹ mang ô đến đón, còn em lủi thủi dưới tàu lá chuối. Hồi ức về những năm tháng ấy càng làm em có thêm ý chí phấn đấu học tập thật tốt để mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn. Em hay ngẫm nghĩ về câu nói này để tự nhắc mình hàng ngày: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn. Chết đi trong nghèo khó - đó là lỗi của bạn.”
Phóng viên: Nếu bây giờ có thể nói gì đó với cha/ mẹ, em sẽ nói gì? Khó khăn, nỗi lo lớn nhất của em hiện tại?
Lương Minh Quang: Nếu bây giờ em có thể nói điều gì đó với bố /mẹ, em sẽ nói rằng: "Con cảm ơn bố/mẹ đã sinh ra con. Bây giờ con lớn rồi, các em cũng đã lớn rồi, không còn nũng nịu bố mẹ như ngày xưa nữa. Bố ở bên kia hãy yên tâm, con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công ơn sinh thành.” Dù quyết tâm là vậy, khó khăn lớn nhất bây giờ của em là làm sao có đủ điều kiện để theo đuổi ước mơ trở thành Bác sĩ của mình. Câu hỏi khiến em day dứt là nếu mình không được đi đại học, cuộc sống mình sẽ ra sao? Mình làm gì để giúp đỡ các em, giúp đỡ bà nội đã già yếu?
Nhịp sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng |
Phóng viên: Ước mơ lớn nhất của em là gì?
Lương Minh Quang: Ước mơ lớn nhất của em là trở thành 1 sinh viên của Học viện Quân y, thế nhưng trong vòng sơ tuyển, do hồi hộp quá em đã không qua được phần kiểm tra sức khỏe tim mạch. Hiện tại, em đăng kí thi vào Đại học Y Thái Nguyên, thế nhưng học Y ở ngoài rất tốn kém, gia đình em khó khăn, không đủ nuôi em đi ăn học. Nếu có ai hỏi em rằng em ước gì, em sẽ ước mình sẽ là một sinh viên của học viện Quân Y - một ngôi trường có trang thiết bị học tập hiện đại, giảng viên có chuyên môn cao. Ngoài ra, nếu có thể học ở trường, em sẽ được miễn học phí.
Phóng viên: Ở Trung tâm BTXH tỉnh Cao Bằng, nơi em đang sinh hoạt từ 5 năm nay, có rất nhiều em nhỏ cũng có hoàn cảnh éo le, em có điều gì muốn nói với các em ấy hay không?
Lương Minh Quang: Ở trong trung tâm có rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Em muốn nói với các em rằng hãy cố gắng học tập thật tốt để mai sau giúp bản thân mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, để mai sau giúp đỡ ông bà, anh chị em, giúp đỡ quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau này rồi em cũng sẽ phải xa mái nhà chung hiện tại, điều mà em nhớ nhất có lẽ là những thời gian vui chơi cùng các em, các bạn ở trên sân, ngay cả những lần nghịch dại bị cô chú phạt cũng khiến em rất nhớ. Tất cả sẽ trở thành hành trang mà em mang theo.