Ngày 11/8, tại thành phố Jaipur Ấn Độ, nhiều người biểu tình đòi quyền lợi cho động vật đã xuống đường bằng xe đạp để yêu cầu chấm dứt sử dụng voi vận chuyển du khách đến một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của đất nước – pháo đài Amber.
Cuộc biểu tình do tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới (WAP) khởi xướng, đánh dấu Ngày voi thế giới vào hôm nay (12/8) với mục đích chính là khuyến khích mọi người sử dụng xe đạp thay vì cưỡi voi khi di chuyển.
Có khoảng 100 con voi chở khách du lịch dọc theo con đường dài hàng km đi lên đồi đến pháo đài. Đây là một con đường đá dốc khó leo. Tổng trọng lượng của 2 du khách, người giữ voi và chiếc ghế gỗ trên lưng voi có thể lên tới 300 kg.
Bà Kristy Warren thuộc tổ chức WAP cho biết: “Câu hỏi đặt ra không chỉ là phương pháp tàn ác mà chủ voi sử dụng để huấn luyện chúng khiến chúng ngoan ngoãn phục tùng mà thực tế là rất nhiều con voi cần hỗ trợ y tế. Các bệnh chúng có thể mắc phải khi bị ‘ép làm việc’ bao gồm bệnh lao, các vấn đề về máu, mù lòa, suy dinh dưỡng và chấn thương bàn chân do phải đi lại trên bề mặt cứng”.
Nhóm bảo vệ động vật trong thành phố đã vận động chống lại việc cưỡi voi suốt nhiều năm gần đây và tổ chức bảo vệ động vật PETA cũng đang đấu tranh tại tòa án. Nhưng các nhóm này có rất ít hy vọng ngoài việc thuyết phục Cục du lịch hạn chế số lượng hành khách tối đa cưỡi trên lưng voi từ 4 xuống 2 người và số chuyến mỗi ngày xuống mức 5 chuyến/ngày vào mùa đông và 3 chuyến/ngày vào mùa hè.
Những người chủ voi cho biết họ dựa vào dịch vụ này để duy trì sinh kế của họ. Cục du lịch muốn có doanh thu từ pháo đài và dịch vụ cưỡi voi là một phần quan trọng của điểm du lịch này. Mặc dù ngoài voi, xe jeep vẫn luôn có sẵn để phục vụ khách du lịch nhưng nhiều người vẫn muốn tận hưởng sự hồi hộp và mới lạ khi cưỡi voi.
Các tổ chức từ thiện đã thảo luận với chính quyền về các lựa chọn thay thế. Giám đốc của WAP tại Ấn Độ - ông Gajender K Sharma cho biết: “Chúng tôi muốn chính quyền nơi đây cổ vũ việc sử dụng xe đạp thay voi, không phải trên con đường đá dốc thông thường mà trên còn đường bằng phẳng hơn dẫn đến cửa pháo đài. Và chúng tôi đã thúc giục họ xây dựng khu bảo tồn cho loài voi ở gần pháo đài, nơi du khách có thể ngắm chúng sống trong môi trường tự nhiên. Đây có thể trở thành một điểm thu hút khách du lịch khác biệt. Voi là loài động vật hoang dã ngay cả khi nó đã được thuần hóa”.
Quan sát những con voi đứng dưới cái nóng dữ dội của mùa hè Ấn Độ trên những con đường bê tông, chen lẫn giữa đám đông và không có một cái cây ngọn cỏ nào trong tầm mắt là một trải nghiệm rất khó chịu đối với ông Sharma. Ông cho biết thêm: “Bạn có thể nhìn thấy sự khổ sở của chúng qua đôi mắt. Đôi mắt chúng đang nói rằng ‘quá đủ, thế này là quá đủ rồi’”./.