Người sáng lập ra nhà thờ Thánh Bartholomew nổi tiếng là Vua Séc Přemysl Otakar II, ngay sau khi lập ra thành phố Kolín vào nửa sau của thế kỷ 13. Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 1349, chắt trai của ông, Vua Charles IV đã ra lệnh xây dựng lại nhà thờ, giao cho kiến trúc sư Gothic nổi tiếng Peter Parléř thực hiện. Năm 1380, nhà thờ đã nhận được các cửa sổ kính màu Gothic độc đáo để trang trí, và những tác tạo này được gìn giữ nguyên vẹn trong hơn 500 năm. Những tấm kính đã sống sót qua các vụ hỏa hoạn, các cuộc tấn công trong các chiến dịch quân sự, cũng như thời tiết khắc nghiệt khó lường.
Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ hai và nỗi sợ hãi về các cuộc không kích và ném bom đã chấm dứt chuỗi ngày này. Vào tháng 2/1944, quân đội địa phương đã quyết định gỡ bỏ các tấm kính màu Gothic khỏi khung và thay thế bằng kính trơn thường. Điều này sau cùng đã chứng tỏ là một bước đi khôn ngoan, bởi cuộc không kích của quân Đồng minh vào ngày 15/3/1945, thả hai quả bom ném trúng tòa nhà văn phòng cũng như Nhà thờ Thánh Bartholomew, đã đánh sập các cửa sổ ở phía bắc của nhà thờ.
Sau khi được cắt ra khỏi cửa sổ vào tháng 2/1944, những tấm kính màu được ghi chép thông tin, đóng gói và cất giữ cẩn thận trong một chiếc rương đặt dưới tầng hầm của tòa thị chính. Sau chiến tranh, chiếc rương được chuyển đến kho của một ngân hàng, và vào năm 1948, những tấm kính từ cửa sổ đã được đặt trưng bày trong phòng sưu tập hiện vật của Bảo tàng Kolín.
Việc gỡ bỏ các tấm kính lịch sử và lưu giữ chúng trong hầm của tòa thị chính đã dẫn đến tranh chấp quyền sở hữu: Nhà thờ, Bảo tàng địa phương và chính quyền thành phố đều muốn sở hữu và sử dụng những tấm kính màu lịch sử này. Mãi đến năm 1960, vấn đề mới được giải quyết và quyền sở hữu cửa sổ của nhà thờ được công nhận. Nghệ nhân làm kính nghệ thuật Jiřička được giao nhiệm vụ phục dựng các cửa sổ, thay những ô kính màu vào chỗ các tấm kính thường được sử dụng tạm thời. Công việc lắp đặt diễn ra trong những năm 1960-1980.
Các chi tiết khắc họa trên những ô cửa đi theo chiều thẳng đứng, hướng lên trời, hướng về Chúa. Phần dưới thường thể hiện những mảng màu tối, nặng nề, có thể nói gần như màu sắc của địa ngục và âm phủ. Trong khi càng lên phía trên thì màu sắc càng trở nên nhẹ nhàng, tượng trưng cho hy vọng, thiên đường./.