Dịch bệnh dần được kiểm soát, giao thông đông đúc trở lại, trên nhiều tuyến phố Hà Nội bắt đầu gia tăng tình trạng xe ô tô dán kín quảng cáo, đổi màu sơn xe “diễu phố”, vi phạm luật giao thông và cần được lực lượng chức năng xử lý nghiêm.
Nhiều chiếc xe với màu sơn “nhức mắt”, khiến người đi đường mất tập trung, gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Chưa kể, bản thân việc đổi màu sơn xe cũng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và Luật Quảng cáo.
Trên các thân xe, đề can quảng cáo, màu sơn được phủ kín. Phần kính hai bên hông, kính hậu... cũng như vậy. Toàn bộ chiếc xe chỉ để hở kính lái và phần cửa lên xuống. Không ít người đi đường chia sẻ: ”Những chiếc xe kiểu này khi tham gia giao thông khiến nhiều người bị thu hút, đang lái xe với tốc độ cao mà bị phân tán, thì dễ mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn giao thông…”.
Xe đổi màu sơn quảng cáo thiết bị điện trên đường Trường Chinh (quận Đống Đa). |
Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc dùng đề can quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe, thay đổi màu sơn xe là vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như: Tự ý thay đổi màu sơn so với đăng ký xe; vô hiệu hóa gương chiếu hậu (đặt trong xe), thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ô tô, ảnh hưởng tới tầm nhìn, quan sát của lái xe khi điều khiển xe, hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cũng đang tham mưu với Ban ATGT thành phố xây dựng, áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với hình thức quảng cáo trên xe ô tô để tạo sự răn đe, nhất là đối với đơn vị quản lý, vận hành xe, cũng như các đơn vị quảng cáo.
nhưng chiếc xe 45 chỗ này phủ kín xe bằng đề can quảng cáo, bịt kín cả cửa sổ, và chủ xe phải dán biển kiểm soát bằng giấy bên ngoài hông xe. (Ảnh: TTXVN) |
Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông hiện nay được thực hiện theo quy định tại Khoản 49 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Điều 61 Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Người thực hiện hành vi quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.