Ngày 20/8, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide - thuốc trừ sâu không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. 2/3 sản phẩm bị thu hồi là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Đại diện công ty Acecook Việt Nam mới đây đã khẳng định 2 sản phẩm vừa bị cơ quan chức năng ở Ireland thu hồi là sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.
Dẫu vậy, với Mì Hảo Hảo vốn được xem như một thương hiệu "mì quốc dân" của Việt Nam, nhiều người tò mò không biết "ông trùm" mì Hảo Hảo là ai.
Khối tài sản nghìn tỷ ở Vina Acecook
Qua tìm hiểu, chủ sở hữu của thương hiệu Mì Hảo Hảo là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (viết tắt: Vina Acecook) - được thành lập tại TP HCM từ cuối năm 1993.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, ông Hoàng Cao Trí (sinh năm 1962) vốn là một kỹ sư cơ điện của Vifon. Khi Vifon liên kết với Acecook Nhật Bản thành lập Công ty liên doanh Vifon Acecook, ông Hoàng Cao Trí được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, bắt đầu tham gia vào hành trình gây dựng các thương hiệu sản phẩm ăn liền, trong đó có "mì gói quốc dân" Hảo Hảo.
Sau sự kiện Vifon thoái vốn và Vifon Acecook lần lượt đổi tên thành Vina Acecook như hiện nay, ngoài cổ đông Nhật Bản, tính đến cuối năm 2020, ông Hoàng Cao Trí là cổ đông lớn sở hữu lượng vốn lớn của mì Hảo Hảo.
Tính đến năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, giá trị 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cơ cấu sở hữu Vina Acecookcòn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí, người nắm giữ 25,16% cổ phần.
Là "ông lớn" trên thị trường mì Việt Nam, Vina Acecook kiếm cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm và tăng trưởng một cách bền vững. Với 25% cổ phần (tương ứng 7,5 triệu cổ phần) ông Hoàng Cao Trí dự kiến sẽ bỏ túi hàng trăm tỷ đồng cổ tức mỗi năm.
Vậy nên không có gì lại nếu như số tiền trong khối tài sản ròng của ông Trí lên tới hàng trăm triệu USD.
Ông Hoàng Cao Trí cùng Blue Sea Group là tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản |
Ông chủ của hệ sinh thái Blue Sea Group
Không chỉ là chuyên gia ở ngành hàng tiêu dùng, ít ai biết, ông Hoàng Cao Trí còn phát triển mảng bất động sản với hệ sinh thái Blue Sea Group.
Blue Sea Group được thành lập từ tháng 9/2002, do ông Hoàng Cao Trí đảm nhiệm vị trí Giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (SN 1966, vợ của ông Trí) giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Blue Sea Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như đầu tư, phát triển và kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng, dân dụng, công nghiệp – logistics; đầu tư, kinh doanh nhà hàng, spa cao cấp; thiết kế, thi công, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; quản lý, vận hàng khách sạn, resort...
Ở thời điểm thành lập, quy mô vốn điều lệ của Blue Sea Group ở mức 400 tỷ đồng, bao gồm: ông Hoàng Cao Trí (78,185%), bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,815%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (SN 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).
Dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Cao Trí, Blue Sea Group phát triển được nhiều dự án tại Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP HCM.
Một trong các dự án nổi bật của Blue Sea Group là Khu du lịch nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo giới thiệu, dự án có diện tích 40,44 ha, bao gồm hai khu chức năng là khu dịch vụ bên rừng (20 ha) và khu dịch vụ bên biển (20 ha) với hơn hàng trăm biệt thự, phòng khách sạn... Dự án này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2012 và được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào năm 2019.
Bên cạnh đó, Blue Sea Group đang theo đuổi dự án Lavender Village thuộc Thung lũng tím Phú Quốc (Khu du lịch sinh thái và biệt thự nhà vườn cao cấp Đồi Hoa Sim, tên thương mại là Violet Valley).
Dự án này do Công ty TNHH Phú Trần làm chủ đầu tư, có quy mô 75 ha, tọa lạc tại trung tâm khu phức hợp Bãi Trường xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vào tháng 5/2018, Công ty TNHH Vương Quốc An Sinh (do ông Hoàng Cao Trí đại diện và sở hữu 70% vốn) đã mua lại 9,7% vốn tại Phú Trần, tương đương 48,5 tỷ đồng.
Blue Sea Group còn có định hướng trở thành phát triển mảng logistic. Tính đến cuối năm 2018, doanh nghiệp đã có 4 hệ thống kho, nhà máy: Kho Đình Vũ tại cảng Hải Phòng (12.000 m2); kho tại KCN Tân Phú Trung tại huyện Củ Chi, TP HCM (30.000 m2); nhà máy Tân Tấn Lộc tại KCN Cát Lái, TP HCM (7.000 m2) và kho Thiết Lập tại KCN Hòa Phú, Vĩnh Long. Ngoài ra, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển một kho tại Cần Thơ.
Đến nay, hệ sinh thái Blue Sea Group có hàng loạt công ty do ông Hoàng Cao Trí đại diện và sở hữu vốn góp, hoạt động ở lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực liên quan như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thiên Nga Trắng (kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch); Công ty TNHH Khách sạn Hòn đảo Hoàng Gia (hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn ngày); Công ty TNHH Du lịch Quang Hải (hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn hạn), Công ty TNHH MTV Thương mại Bất động sản Hoàn Mỹ (hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng), Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng...