Chất lượng hoạt động trải nghiệm ngoài trường học còn bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Vụ việc ngộ độc hàng loạt của học sinh trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội mới đây xảy ra trong quá trình đi trải nghiệm đã khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về chất lượng của các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.
Chất lượng hoạt động trải nghiệm ngoài trường học còn bỏ ngỏ ảnh 1

Ảnh minh họa

Mật độ dày đặc

Chị Thu Huyền, một phụ huynh ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, trường mầm non tư nhân nơi con trai cô đang theo học gần nhà có lịch đi hoạt động dã ngoại khá nhiều, trung bình 2 tuần một chuyến đi. Kinh phí để các con tham gia hoạt động dã ngoại bên ngoài được đóng theo quý, không phải theo từng chuyến đi một. Theo đó, mức phí mà phụ huynh phải đóng là 450.000 đồng cho 3 tháng con được dùng học phẩm và đi dã ngoại. Các chuyến đi dành cho các em bé mầm non 3 tuổi như con trai Thu Huyền chỉ loanh quanh Hà Nội, không bao gồm bữa ăn trưa, các con chỉ đến bảo tàng, công viên... rồi di chuyển về lớp để ngủ nghỉ.

Một phụ huynh khác, chị Thanh Phương, phụ huynh có con đang học bậc tiểu học ở quận Long Biên kể rằng, con gái cô vốn là người hướng nội, nhưng không thể không đi dã ngoại, vì gần như là bắt buộc. “Cô giáo sẽ nhắn tin cho từng phụ huynh động viên cho con đi với nội dung cả lớp đi hết rồi, mỗi con nhà mình không đi sẽ khó hòa đồng với cả lớp. Rồi cô giới thiệu các trò chơi, điểm hấp dẫn của chuyến đi sắp tới để thuyết phục bằng được phụ huynh”, chị Phương nói. Mỗi chuyến đi, một học sinh tiểu học phải đóng hơn 200.000 đồng/học sinh. Trong một học kỳ, một lớp có thể đi trải nghiệm ngoài lớp học 2-3 lần. “Nhiều hôm trời mưa, các con vẫn đi vì đã lên lịch từ trước với bên cung cấp dịch vụ”, chị Phương nói thêm.

Một phụ huynh khác kể, con chị đang học tại địa bàn Cầu Giấy vừa được đi dã ngoại tận Thái Nguyên, sáng đi chiều về, chuyến đi để đá bóng và kéo co, nướng gà... tốn gần 500.000 đồng, dù Hà Nội có khá nhiều địa điểm gần có thể rút bớt độ xa cho các con đỡ mệt. Chuyến đi khiến không ít học sinh mệt mỏi, không thể đến lớp vào ngày hôm sau. Tất cả các chuyến đi của lớp đều do các công ty du lịch “bắt tay” với nhà trường triển khai thực hiện.

Tăng cường giám sát

Có thể thấy ngoài các nỗi lo mỗi khi có vụ việc xảy ra thì nhiều phụ huynh và học sinh đều thừa nhận, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường mang lại nhiều kiến thức thực tế. Học sinh còn được tham quan những di tích lịch sử, làng nghề, tìm hiểu về các vị anh hùng dân tộc và hiểu hơn về lịch sử của đất nước. Điều quan trọng hơn cả mà nhiều học sinh đều thích thú, đó là qua mỗi chuyến đi, các em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 19/8/2019, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020-2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh. Ở cấp học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có quy định cụ thể với các trường nhằm tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động tham quan.

Theo ông Hoàng Hữu Trung, trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ , Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, về cơ bản, các trường học trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng quy trình quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở một vài nơi vẫn xảy ra rủi ro vì nhiều nguy cơ phát sinh.

Nhìn lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian gần đây, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích như học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung hay sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh, giám sát quy trình chưa chặt chẽ... Vụ việc mới đây của trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân khiến hàng chục học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm là một ví dụ...

Rõ ràng, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong các hoạt động ngoài nhà trường rất cần có sự chung tay, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết nhà trường luôn thực hiện đúng quy định cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường tối đa hai lần/năm học. Với hơn 3.600 học sinh, để quản lý tốt hơn, tránh quá đông học sinh tham gia dẫn đến mất kiểm soát, nhà trường thường chia học sinh làm hai đợt, một đợt dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 và đợt còn lại cho học sinh lớp 4, 5. Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn đơn vị có đủ hồ sơ pháp lý và năng lực, trong đó tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia phù hợp với độ tuổi, nhận thức của các em... Những địa điểm quá xa, không phù hợp hoặc những trò chơi thiếu an toàn cho học sinh sẽ không được đưa vào chương trình.

Để tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trong các chuyến trải nghiệm ngoài nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khuyến cáo các trường không nên đưa học sinh đi quá xa. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của phụ huynh và an toàn tuyệt đối cho học sinh. Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở, tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh về việc triển khai hoạt động.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.