Nơi đây nguyên sơ đến mức rất ít khi được con người ghé thăm kể cả cho mục đích nghiên cứu. Theo các nhà nghiên cứu, hòn đảo này có sự đa dạng sinh học đáng kể dù chỉ có 3.700 ha, đảo có 10 loài cây đặc hữu và bốn loài chim đất. Sự cô lập của hòn đảo, cho đến gần đây, đã bảo vệ nó khỏi hầu hết các hoạt động của con người.
Thế nhưng trong 1 lần thám hiểm, Jennifer Lavers - nhà sinh thái hải dương đến từ Đại học Tasmania thông báo rằng, hòn đảo xinh đẹp này lại đang gánh chịu khoảng 17,6 tấn rác thải (trong đó có khoảng 38 triệu miếng rác thải có nguồn gốc nhựa). Trong suốt 3 tháng ở hòn đảo Henderson, Jennifer cùng đồng nghiệp đã thực hiện những nghiên cứu về môi trường sinh thái. Và họ xác định rằng 17,6 tấn rác thải kia đều trôi dạt từ biển vào đấy.
Càng tìm hiểu, Lavers và Alexander Bond - một nhà khoa học bảo tồn từ Hiệp hội Hoàng gia về bảo vệ các loài chim càng ngỡ ngàng trước mật độ rác cao được ghi nhận trên hòn đảo. Theo những tính toán của họ, mỗi mét vuông bờ biển của hòn đảo phải nhận thêm khoảng 27 mẩu rác thải mỗi ngày, và con số 17,6 tấn rác kia tăng lên mỗi ngày. Lavers đã tìm thấy hàng trăm con cua sống chung với rác như nắp bình và bình mỹ phẩm, và cho biết, có con cua đang sống bên trong đầu con búp bê.
David Barnes, một nhà sinh thái hải dương nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm nhựa rác thải tại tổ chức British Antarctic Survey cho rằng, con số này thật “đáng sợ". Barnes chia sẻ: “Trong vòng chưa tới một thế kỷ, nhựa đã thay đổi quá nhiều bộ mặt của thế giới tự nhiên. Ngay cả khi bắt đầu từ lúc này, chúng ta có thể sẽ phải dành nhiều thế kỷ để giải quyết những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất. Thật không may, những khu vực nguyên sơ đang trở thành bằng chứng cho mức độ trầm trọng của vấn đề này, với môi trường sinh thái và đối với chính con người".
Lavers và Bond đang tìm cách để góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Những nghiên cứu này có một ưu điểm là tiết kiệm chi phí hơn việc vớt rác thải trên khắp các đại dương. “Dấu vết của con người hiện hữu ở khắp mọi nơi, và nó để lại ảnh hưởng sâu sắc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng ta" - Lavers cho biết.
Ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo những thống kê của trang EcoWash (Mỹ), một chiếc túi nilon sẽ phải mất từ 500 - 1.000 năm để phân huỷ và có khoảng 90% lượng rác thải đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương là rác thải nhựa.
Vào tháng Hai vừa qua, các nhà khoa học đã báo cáo mức ô nhiễm độc hại "phi thường" trong rãnh Mariana, với chất thải nhựa tạo điều kiện lan truyền các hóa chất công nghiệp đến những nơi xa xôi hành tinh này. Còn tại hội nghị thượng đỉnh của các đại dương thế giới vào đầu tháng Ba, Indonesia cam kết sẽ chi 1 tỷ đô la/ năm để giảm các chất thải nhựa và các chất thải khác làm ô nhiễm nguồn nước biển với mục đích giảm 70% chất thải biển trong vòng 8 năm.