Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỷ đồng).
Trong đó, có 4 dự án nối thông từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh, bao gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) – QL45, QL45 (Thanh Hoá)– Nghi Sơn (Thanh Hoá), Nghi Sơn (Thanh Hoá)– Diễn Châu (Nghệ An), Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Bốn dự án tiếp theo nối liền từ Khánh Hoà đến Đồng Nai gồm: Nha Trang (Khánh Hoà)– Cam Lâm (Khánh Hoà), Cam Lâm (Khánh Hoà) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan thiết (Bình Thuận) – Đồng Nai.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là Phan Thiết – Dầu Giây (dài 98km) với 19.571 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 5.551 tỷ đồng). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến thấp nhất là Nha Trang – Cam Lâm (dài 29km) với 5.131 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 2.532 tỷ đồng).
Bộ GTVT cho biết, 8 dự án trên đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến hoàn thành cơ bản công tác đầu tư, xây dựng vào năm 2021.
Trước đó, ngày 22/11, với 83,1% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước, với 654 km, tổng mức đầu tư gần 120.000 tỉ đồng, khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Có toàn bộ 11 dự án thành phần được triển khai giai đoạn này. Ngoài 8 dự án BOT trên, có 3 dự án đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách khác bao gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.