Mỗi ô có giá bằng một căn chung cư
Chợ đầu mối Bình Điền (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra) được khởi công xây dựng vào 3/2003 với mục tiêu di dời các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM về chung một khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng mới, khang trang nhằm làm giảm áp lực về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông... cho vùng nội thành. Với diện tích quy hoạch 65 ha, đây là Chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ cho thị trường hàng chục triệu dân ở TP.HCM và các vùng lân cận.
Chợ Bình Điền chính thức hoạt động vào năm 2006. Ban đầu, Chợ chỉ triển khai hoạt động kinh doanh hai ngành hàng là thủy hải sản và rau củ quả. Đến nay, sau 15 năm hoạt động, Chợ Bình Điền đã tiếp nhận và bố trí kinh doanh cho khoảng 1.500 tiểu thương trong 7 khu vực nhà lồng với khoảng 1.900 ô, vựa. Tổng khối lượng hàng hóa nông sản thực phẩm tại Chợ trung bình khoảng 2.500 tấn/ngày đêm. Giá trị giao dịch trung bình từ 100 - 115 tỷ đồng một ngày đêm.
Theo các tiểu thương, mỗi ô, vựa kinh doanh tại Chợ Bình Điền là cả một gia tài, nhiều vị trí có giá thuê ngang ngửa với một căn hộ chung cư. Chị H.T.T lấy ra một bản hợp đồng thuê ô, vựa ở nhà lồng D (cá nước ngọt, tôm cua), được ký kết giữa chị và Công ty Chợ Bình Điền vào năm 2014 có giá trị gần 1 tỷ đồng cho phần diện tích 38m2. Tổng số tiền sử dụng vị trí kinh doanh được thanh toán một lần, thời hạn cho thuê đến năm 2056.
Nhiều người phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng thuê ô, vựa để kinh doanh tại Chợ Bình Điền. |
Gia đình chị T.M kinh doanh thuỷ hải sản nhiều đời. Hơn 15 năm trước, mẹ chị quyết định dời địa điểm từ chợ tạm về ổn định tại Chợ Bình Điền, thuê nhiều ô mặt tiền nhà lồng F để buôn bán thuỷ hải sản biển tươi sống. “Mỗi ô, vựa chị thuê 50 năm có giá từ 1,1 - 1,4 tỷ đồng. Số tiền này lớn nên được trả góp trong 7 năm có lãi suất. Từ năm 2006 – 2013, gia đình chị đã góp xong rồi”, chị M. thông tin.
Để sở hữu vị trí kinh doanh tại Chợ đầu mối lớn nhất nước, nhiều người phải bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng thuê ô, vựa, tuỳ vào vị trí và ngành hàng. Nhiều tiểu thương cho biết, giá thuê thấp nhất là khu chợ hoa và cao nhất là chợ thịt, thuỷ hải sản. Ngoài số tiền thuê đất thì hằng tháng, tất cả tiểu thương phải đóng thêm nhiều loại phí quản lý, bến bãi, kho hàng, điện nước... để duy trì hoạt động kinh doanh.
Chợ Bình Điền thu thêm tiền thuê đất?!
Đầu tháng tư vừa qua, người kinh doanh tại Chợ Bình Điền bất ngờ nhận được Thông báo của Công ty Chợ Bình Điền do Giám đốc Phan Thành Tân ký, gửi cho từng cá nhân về việc thu tiền thuê đất năm 2021. Theo thông báo, Công ty Chợ Bình Điền yêu cầu thương nhân đóng thêm tiền thuê đất tính trên phần diện tích sử dụng riêng theo hợp đồng.
Công ty chợ Bình Điền đưa ra 3 loại tiền mà các thương nhân phải đóng gồm: (Thứ nhất) Tiền thuê đất đối với diện tích sử dụng riêng theo hợp đồng thuê; (Thứ hai) Tiền thuê đất diện tích sử dụng chung trong nhà lồng được phân bổ đều cho diện tích sử dụng riêng của nhà lồng; (Thứ ba) Tiền thuê đất diện tích công cộng phân bổ đều cho tất cả diện tích sử dụng riêng của Khu Thương mại Bình Điền. Tổng số tiền phải đóng được tính theo công thức tổng diện tích đã thuê trong hợp đồng nhân với đơn giá của từng loại tiền.
Công ty Chợ Bình Điền yêu cầu thương nhân đóng thêm tiền thuê đất tính trên phần diện tích sử dụng riêng theo hợp đồng. |
“Công ty Chợ Bình Điền sẽ thu khoản tiền thuê đất kèm theo thông báo thu tiền dịch vụ quản lý, tiền điện, nước hằng tháng... Do tháng 1, 2 và 3/2021 chưa thông báo thu tiền nên trong thông báo tháng 4/2021 sẽ thu bổ sung tiền thuê đất tháng 1, 2 và 3/2021. Việc không đóng tiền thuê đất hoặc chậm đóng tiền thuê đất, Công ty Chợ Bình Điền sẽ tiến hành xử lý theo Hợp đồng và phạt tiền nộp chậm theo quy định. Đối với khoản tiền thuê đất từ ngày 1/7/2014 – 31/12/2020, Công ty đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM để thực hiện”, Thông báo nêu rõ.
Tại nhà lồng D chuyên kinh doanh cá nước ngọt, tôm cua, các loại sò ốc và hải sản cao cấp, một tiểu thương cung cấp cho phóng viên tờ thông báo của Chợ Bình Điền, nêu rõ hằng tháng chủ ô, vựa phải đóng thêm hơn 2,6 triệu đồng tiền thuê đất. Trong đó, loại tiền thứ nhất là gần 800.000 đồng, loại thứ hai hơn 400.000 đồng và loại thứ ba hơn 1.400.000 đồng.
Chú P. – chủ một ô kinh doanh hải sản ở nhà lồng F bức xúc kể: “Năm xưa tôi buôn bán ở chợ Cầu Ông Lãnh, nhà nước đưa về đây. Tôi phải bỏ ra đúng 100 cây vàng (thời điểm đó là 1,1 tỷ đồng) để thuê ô hơn 40m2 kinh doanh trong 50 năm. Tiền đã đóng xong, giờ Giám đốc mới về, chưa thấy đi hỏi thăm xem bà con thương nhân buôn bán thế nào đã ra thông báo thu tiền thuê đất. Trước nay, mỗi tháng tôi đã đóng phí quản lý và các loại tiền khác khoảng 4 triệu đồng, giờ theo thông báo của Chợ Bình Điền phải đóng thêm hơn 3 triệu đồng tiền thuê đất nữa thì quả thật không hợp lý. Việc này cần phải làm rõ”.
Nhiều thương nhận yêu cầu được làm việc với Giám đốc công ty nhưng không thành. |
Cũng tại nhà lồng F, người đàn ông chủ vựa hải sản có tiếng cho biết, số tiền anh phải đóng theo thông báo là 3,5 triệu đồng/ô/tháng. Gia đình anh có khoảng 10 ô nên hằng tháng phải đóng thêm 35 triệu đồng, một năm là 420 triệu đồng. “Chúng tôi đề nghị Công ty Chợ Bình Điền tổ chức họp chung để giải thích về thông báo thu tiền thuê đất này. Nếu đây là quy định của Nhà nước thì gia đình tôi sẽ thực hiện, nhưng chỉ đóng tiền kể từ lúc ra thông báo này thôi. Nếu truy thu ngược từ năm 2014 thì số tiền tôi phải đóng rất lớn (gần 3 tỷ đồng), làm sao đóng nổi. Nhưng tôi thấy vấn đề này rất phi lý, tôi không đồng tình”.
Trên lý thuyết, Chợ Bình Điền có khoảng 1.900 ô, vựa với nhiều diện tích khác nhau. Nếu số tiền thuê đất phải đóng thêm theo thông báo mới dao động từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/ô/tháng, thì số tiền thu vào sẽ từ 4,7 tỷ đồng – 6,6 tỷ đồng/tháng. Mỗi năm sẽ là 56 tỷ đồng – 79 tỷ đồng.
Sau khi nhận được thông báo thu tiền thuê đất, bà con tiểu thương rất bức xúc. Ngày 9/4, hàng chục người đã tụ tập trước văn phòng của Công ty chợ Bình Điền yêu cầu Giám đốc ra làm việc, giải thích rõ vấn đề. Tuy nhiên, Lãnh đạo công ty này không xuất hiện.
Sáng 12/4, Phóng viên Ngày Nay đã liên hệ một Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền thì người này đề nghị liên hệ với Giám đốc công ty để được thông tin. Tiếp tục liên hệ phía công ty, đơn vị này phản hồi: “Hiện tại, Giám đốc Phan Thành Tân đang họp nên không thể gặp phóng viên và hẹn trong tuần này sẽ sắp xếp trao đổi với báo chí về vụ việc”.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin khi nhận được phản hồi từ phía Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền.