Ngày 31/7 là thời điểm bắt đầu áp dụng thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) thịt heo khi ra thị trường truyền thống sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm do Sở Công thương TP chủ trì. Tuy nhiên, trong buổi thông tin nhanh với báo chí trong ngày đầu thực hiện, Sở Công thương TPHCM thừa nhận, hiện tại chỉ mới có 21% heo ra thị trường được TXNG đầy đủ.
Liên tiếp trong nhiều đêm 29, 30/7, Sở Công thương TP cùng các sở ban ngành trực tiếp kiểm tra heo tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Trong đêm ngày 30/7, tổng số heo tại TPHCM là 9.600 con; trong đó vào kênh hiện đại 1.200 con, 8.400 con vào chợ đầu mối.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM nêu bất cập: “Khi chúng tôi kiểm tra thông tin heo đã được đeo vòng ở cơ sở chăn nuôi, chỉ có 3.351 con có thông tin (chiếm 35%), còn lại 65% heo của các cơ sở chăn nuôi chưa khai báo thông tin, chưa chịu trách nhiệm về con heo đưa ra thị trường. Thế nhưng, tại cơ sở giết mổ, heo có nguồn gốc chỉ còn 21% với khoảng 2.000 con, 14% đã “bốc hơi” do không được giám sát và niêm phong xe”.
Cũng theo ông Hòa, một bất cập khác là rất nhiều thịt heo vào chợ đầu mối không có nguồn gốc. Nhưng dù vậy, heo vẫn được nhập chợ. Ban quản lý chỉ lập biên bản chung cho cả chợ rồi… chờ hướng dẫn thêm.
Trả lời câu hỏi vì sao đã được tập huấn 6 tháng, với đủ hình thức tuyên truyền vận động nhưng heo có nguồn gốc vào TP vẫn rất ít? Ông Hòa cho rằng đây là cuộc chơi của riêng TPHCM, các tỉnh chỉ phối hợp nên không có quy định nào buộc các tỉnh phải thực hiện. Trong khi, hơn 85% heo vào TPHCM phụ thuộc rất nhiều vào các tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP trao đổi thông tin với báo chí. |
Sở Công thương TP cũng cho rằng, kênh hiện đại đã hoàn tất khâu TXNG thịt heo, còn người tiêu dùng có truy xuất hay không là quyền của họ. Hiện có hơn 800 điểm bán tại TPHCM. Riêng kênh truyền thống còn nhiều khó khăn, chưa thể triển khai đồng loạt ngay mà đang tập trung thực hiện ở chợ đầu mối. Thịt ở chợ đầu mối chiếm 80% phân phối thịt ra thị trường.
“Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhiều nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Do đó cần phải có biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn. Nếu cứ trông chờ vào sự tự giác, hưởng ứng thì không ổn. Sau khi Ban quản lý chuyển hóa tình hình được tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai ở 240 chợ truyền thống còn lại tại TPHCM” – ông Hòa kỳ vọng.
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, đang làm văn bản gửi UBND TP, để trong thời gian sớm nhất có nhất có những chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn, làm sao để người dân phải được sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ.