Nam Tam Đảo muốn lấy 68ha đất
Cuối năm 2023, dư luận xôn xao trước thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 (Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo (Công ty Nam Tam Đảo) để tham vấn ý kiến cộng đồng trong 15 ngày.
Theo đó, khu vực thực hiện dự án có diện tích khoảng 68ha thuộc Tiểu khu 102, 105A tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Trong diện tích 68ha, chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ ngơi, Bulgalow (nhà gỗ), nhà hàng - dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), khu quảng trường - sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật - vườn Nhật; khu thể thao- dã ngoại, cắm trại, công viên nước).
Đáng chú ý, trước đó, cũng tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Nam Tam Đảo đã gây lùm xùm với siêu dự án “dành cho giới nhà giàu” Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Ban đầu, Nam Tam Đảo được cấp phép là “Khu du lịch sinh thái” tuy nhiên, sau đó trở thành sân golf Thanh Lanh.
Cụ thể, ngày 11/7/2003 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho phép nhà đầu tư khảo sát, lập dự án tại văn bản số 1366/HC-UB. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 tại Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 29/7/2005 và phê duyệt đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 25/12/2007. Đến năm 2014 chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tạm giao hơn 100ha đất để thực hiện dự án.
Phải tới năm 2018, dự án mới được triển khai. Và chỉ 1 năm sau đó, tại quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 số 948/QĐ-UBND ngày 05/5/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô của dự án được điều chỉnh là 337,27ha.
Với sự điều chỉnh này, dự án được chia thành 3 phân khu chức năng: Phân khu K1 (phân khu du lịch sinh thái); Phân khu K2 (sân golf Thanh Lanh); Phân khu K3 (Mặt nước hồ Thanh Lanh). Kể từ đó đến nay, dự án này được biết đến rộng rãi với mô hình sân golf.
Dù đang có trong tay hàng trăm ha chưa sử dụng hết nhưng Nam Tam Đảo vẫn xin thêm 68ha |
“Ôm” hàng trăm ha đất, nộp thuế TNDN bèo bọt
Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo triển khai trong năm 2018 và được điều chỉnh trong năm 2019 với sự “ra đời thêm” của sân golf Thanh Lanh. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau, sân golf Thanh Lanh hoành tráng được hoàn thiện vào 11/09/2021 và nhận được rất nhiều sự quan tâm của golf thủ. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng sân golf Thanh Lanh được đánh giá là 1 trong 2 sân golf có thiết kế tốt nhất Việt Nam, cùng với Laguna Lăng Cô (Huế).
Sân golf Thanh Lanh có bảng giá không hề rẻ. Bảng giá ngày thường là từ 1,85 triệu đồng tới 2,3 triệu đồng. Ngày chủ nhật, giá tăng, từ 2,615 triệu đồng tới 3,255 triệu đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp khác cho golfer như du thuyền, Clubhouse sang trọng, khu cưỡi ngựa, công viên nước,…
Một điểm nhấn không thể không nhắc tới của dự án này chính là những căn biệt thự siêu cao cấp có thiết kế phong cách châu Âu nằm ven sông xinh đẹp. Giá bán dao động từ 17 tỷ đồng tới 21 tỷ đồng mỗi căn.
Với giá sản phẩm, dịch vụ và đắt đỏ như vậy, 337,27ha đất của huyện Bình Xuyên được giao làm dự án chỉ giúp chủ đầu tư đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vài tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, trong năm 2022, Công ty Nam Tam Đảo ghi nhận Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt gần 133 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Giá vốn hàng bán rất cao, lên tới 103 tỷ đồng nên công ty chỉ đạt 30 tỷ đồng Lợi nhuận gộp. Trong khi đó, hàng loạt chi phí đều khá cao nên Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Nam Tam Đảo chỉ là 9,5 tỷ đồng. Vì vậy, Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm khá khiêm tốn, đạt 2,4 tỷ đồng.
Kết quả là Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 7,2 tỷ đồng. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu rất nhỏ, chỉ là 0,8%, thấp hơn lãi suất tiết kiệm rất nhiều.
Thông tin tìm hiểu cho thấy, công ty cổ phần Nam Tam Đảo thành lập ngày 16/11/2004 tại Ban Quản lý dự án thôn Thanh Lanh, Xã Trung Mỹ, Huyện Bình Xuyên, Tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại ngày 19/4/2016, cổ đông sáng lập được xác định là: ông Nguyễn Minh Quý (sở hữu 35,46% vốn, tương đương 11,525 tỷ đồng), ông Nguyễn Trung Chính (sở hữu 9,54% vốn, tương đương 3,1 tỷ đồng), ông Lê Tùng Sơn (sở hữu 7% vốn, tương đương 2,275 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Hương (sở hữu 18,6% vốn, tương đương 6,045 tỷ đồng), ông Trịnh Việt Dũng (sở hữu 14,4% vốn, tương đương 4,68 tỷ đồng) và ông Nguyễn Tiến Cường (sở hữu 15% vốn, tương đương 4,875 tỷ đồng).
Từ ngày 30/10/2017, ông Lê Xuân Trường trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty thay cho ông Nguyễn Minh Quý. Cơ cấu cổ đông công ty không được tiết lộ. Chỉ biết rằng sau này, Nam Tam Đảo được xác định là thành viên của hệ sinh thái Tập đoàn Lạc Hồng của ông Lê Xuân Trường. Ngoài Nam Tam Đảo, ông Lê Xuân Trường còn là người đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng.