Trong gần một thập niên, bà Helen Kim Bottomly là hiệu trưởng của Đại học Wellesley, đại học cho nữ hàng đầu thế giới về giáo dục khai phóng ở thị trấn Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ). Bà rời khỏi vị trí này vào năm 2016, nghỉ hưu ở thành phố Boston gần đó nhưng lại đang tham gia xây dựng một đại học mới ở cách đó nửa vòng Trái Đất.
Bà Bottomly nói chuyện với Zing.vn về những kinh nghiệm mà muốn mang từ Wellesley đến Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) - nơi bà hiện làm chủ tịch Hội đồng Tín thác, cảm hứng từ truyền thống giáo dục khai phóng của Mỹ và cả những "thói quen Mỹ" mà bà muốn tránh lặp lại.
- FUV là một trường mới trong khi Wellesley là đại học khai phóng có truyền thống rất lâu đời. Bài học gì ở Wellesley có thể mang về đây?
- Điều tôi mong lặp lại ở đây là việc Wellesley thật sự lấy sinh viên làm trung tâm. Họ rất chú trọng việc xây dựng một cộng đồng, họ khiến mọi người, từ sinh viên đến thầy cô, cảm thấy thật sự thuộc về nơi này. Wellesley cũng là một nơi được điều hành tốt, Hội đồng Tín thác của họ cực kỳ có trách nhiệm, cho ra những quyết định tốt.
Tất cả những điều trên đều tương đồng ở FUV và tôi muốn Wellesley có thể trở thành mô hình cho FUV: trải nghiệm học tập với sinh viên làm trung tâm, một cuộc sống ngoài giảng đường có sự tham gia của cộng đồng và các học giả, hội đồng tín thác tốt. FUV là trường đại học tư, vì vậy sự tự chủ của phụ thuộc vào Hội đồng Tín thác.
Đại học Mỹ vẫn rất bảo thủ
- Các thành viên Hội đồng Tín thác của FUV thường nói rằng họ đang xây dựng một đại học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng bà có lo họ sẽ lặp lại những thói quen "kiểu Mỹ" không?
- Đúng là chúng tôi không muốn làm như vậy. Tôi vẫn tin rằng cách tiếp cận của Mỹ, với giáo dục khai phóng, là điều rất truyền cảm hứng. Nhưng tôi cũng muốn FUV có thể thiết kế chương trình học cho phép sinh viên tương tác nhiều hơn, sử dụng cách tiếp cận của giáo dục khai phóng vào một nơi có các cơ hội đặc biệt như tại Việt Nam.
Nếu chúng ta nói về triết lý giáo dục của FUV, đó sẽ là sự tương tác của sinh viên. Ví dụ, sinh viên học ngành kỹ sư sẽ phải đến một cộng đồng, có thể khá nghèo và lạc hậu, ở trong nước. Họ sẽ phải nói chuyện với người dân địa phương, tìm hiểu nhu cầu và khó khăn của họ.
Một buổi dạy thử môn Toán của Giám đốc Học thuật FUV Ryan Derby Talbot cho các sinh viên tiềm năng tại khuôn viên trường. |
Nếu nơi đó không có đủ nước sạch, sinh viên sẽ trở về lớp học, có thể họ sẽ làm ra một sản phẩm mẫu, mang nó trở lại cộng đồng để xem người dân ở đó có thể sử dụng nó không. Nếu chiếc máy hữu ích, họ sẽ dạy cho người địa phương cách tự làm ra nó và có nước sạch.
Đó là thứ mà tôi gọi là học tập thông qua tương tác. Từ lúc đầu, sinh viên phải lắng nghe người dân, thuyết phục người dân, hiểu về nền kinh tế của họ.
- Nhưng không phải cách này nghe vẫn "rất Mỹ" sao? Liệu sẽ có chuyện sinh viên của FUV sẽ tương tác với cộng đồng nhưng lại nhìn họ qua "lăng kính Mỹ" không?
- Có và không. Đúng ở việc các ý tưởng này được truyền cảm hứng từ việc giáo dục khai phóng tại Mỹ, từ việc làm sao để dạy sinh viên suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi cho rằng các trường đại học của Mỹ vẫn khá bảo thủ về cách dạy và cơ hội để dạy học kiểu này sẽ tùy thuộc vào triết lý giáo dục từng trường. Việc tổ chức toàn bộ lớp học xung quanh sinh viên vẫn khá mới.
Chúng tôi nghĩ mình sẽ lấy những phần tốt nhất của nền giáo dục Mỹ - dù sao nó cũng đã được thử nghiệm hàng trăm năm qua rồi - nhưng sẽ điều chỉnh nó theo điều kiện xã hội của Việt Nam. Tôi chưa biết giáo trình sẽ như thế nào cho đến khi lứa sinh viên đồng kiến tạo hoàn thành năm học của họ. Tuy nhiên, chương trình họ sẽ bao gồm việc sinh viên phải biết về lịch sử Việt Nam, nghệ thuật, âm nhạc, những nhà văn nổi tiếng.
Bà Bottomly nói rằng FUV được lấy cảm hứng từ các ý tưởng của chương trình giáo dục khai phóng Mỹ nhưng sẽ được đổi mới để phù hợp với môi trường Việt Nam. |
Chúng tôi không chỉ mang đến những môn học khai phóng mà còn các môn khoa học và cơ khí, đó là mô hình khá khác biệt cho bậc đại học.
- FUV có nhiều người Mỹ ở trong Hội đồng Tín thác hơn là người Việt, việc này liệu có ảnh hưởng gì đến cách tiếp cận của FUV?
- Thật ra việc này hơi phức tạp vì có một vài người Mỹ gốc Việt. Có lẽ có khoảng 60% không phải là người Việt (có một người Anh) và 40% là người Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng càng có nhiều người Việt trong hội đồng thì càng tốt, vì đây là một đại học Việt Nam.
Một số thành viên hội đồng là người làm việc trong ngành tài chính, một số người là giáo viên giảng dạy... Đôi khi, nếu bạn tìm kiếm các chuyên môn khác nhau, bạn không thể có mọi tiêu chí ở một nước và phải tìm kiếm rộng ra.
Khi đại học lớn lên, nó sẽ bị quan liêu hóa
- Bà hẳn biết hết những tranh cãi xung quanh người tiền nhiệm của mình?
- Tôi có biết câu chuyện. Ông ấy đã rất tuyệt vời khi ở trong Hội đồng Tín thác, giúp thành lập hội đồng từ những ngày đầu, mang tôi đến đây, khi ông ấy không còn thời gian ở đây, ông ấy cũng đề cử và giúp đỡ tôi.
- Bà có cảm thấy áp lực không, khi lịch sử giữa hai nước luôn còn đó và những tranh cãi có thể nổ ra lại?
- Tôi tin rằng có nhiều người bao dung và họ hiểu được ý nghĩa của những chuyện đã xảy ra. Sẽ luôn luôn có những câu chuyện (được kể) và mọi người đều có cuộc sống riêng. Tôi nghĩ FUV vốn là một câu chuyện đẹp và tôi nên cố gắng làm tốt việc của mình, không nên quá lo lắng nếu một số người vẫn sống trong quá khứ.
- Có vấn đề gì của các đại học Mỹ mà bà muốn tránh tại FUV?
- Tôi nghĩ đôi khi giáo dục Mỹ bị quan liêu hóa, như việc trường đại học sẽ có một nhóm người trong hội đồng tín thác, một nhóm người ở các khoa, ngành, một nhóm hội đồng sinh viên... Tại Mỹ, chúng tôi không thể tránh khỏi việc này vì chúng tôi đã làm thế rất nhiều năm nay, đó cũng không phải là điều để tôi chỉ trích, vì khi một trường đại học phình to ra, nó phải trở nên quan liêu hơn.
FUV xuất phát như một trường nhỏ, bạn có thể hình thành một văn hóa khác.
- Nhưng trước sau thì FUV cũng phải lớn lên.
- Việc này xảy ra với mọi nơi, nếu nó lớn lên và để tránh nó trở nên quan liêu, bạn phải tìm cách để giữ cho cả cộng đồng cùng can dự vào công việc của trường. Tôi từng là thành viên của khoa rồi giữ chức lãnh đạo trường, tôi nghĩ việc này có thể giúp đỡ chút ít trong việc hiểu được tâm lý của các thầy cô giáo, những người cần được tự do tập trung vào công việc của họ, dạy học và nghiên cứu. Họ có thể sẽ không muốn ra ngoài và đi gây quỹ. Các nhà quản lý sẽ phải ở đó, để làm những việc trên, cho những người làm học thuật có thời gian rảnh.
Khi ở Đại học Wellesley, một trong những lý do họ thích là vì tôi cũng đến từ một khoa và tôi hiểu góc nhìn của họ. Tôi nghĩ với sinh viên cũng tương tự. Sinh viên cũng có hội nhóm của họ, họ biết mình cần gì và chúng tôi cần phản ứng lại tất cả những gì đang diễn ra trong sinh viên và các thầy cô. Tương tự, điều tôi thích khi làm một nhà khoa học ở Yale là người ta đảm bảo rằng tôi có đầy đủ cơ sở vật chất để tiến hành các nghiên cứu của mình.
Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học có thể trở thành một lãnh đạo tốt cho trường đại học vì họ làm việc rất có phương pháp, chúng tôi suy nghĩ cẩn trọng, tiến hành các nghiên cứu.
Start-up với "vốn đầu tư mạo hiểm"
- Đại học Wellesley có một số khó khăn về tài chính thời bà làm hiệu trưởng. Bà có tự tin rằng việc đó không lặp lại ở đây không khi học phí của FUV khá cao so với mặt bằng người Việt Nam?
- Wellesley thật sự không có vấn đề tài chính. Họ có hơn 1 tỷ USD tiền quyên góp để đảm bảo cho tương lai của nó. Điều chúng tôi đang cố gắng làm là khiến mô hình đó vẫn trụ vững qua khủng hoảng tài chính. Những trường đại học lớn ở Mỹ có mô hình tài chính dựa trên học phí, việc gây quỹ và một số hoạt động khác. Tôi không nghĩ FUV sẽ khác.
Hiện giờ chúng tôi giống như một start-up, và một start-up phải bắt đầu bằng cái mà tôi gọi là "vốn đầu tư mạo hiểm". Chúng tôi bắt đầu bằng tiền từ chính phủ Mỹ. Nhưng nguồn vốn đó phải được chuyển hóa sang các dạng khác khi bắt đầu có sinh viên, chúng tôi phải tìm các nguồn tài trợ khác, học phí và các dòng tiền thay thế. Tất cả những điều đó chúng tôi đang làm.
Bà Bottomly nói FUV sẽ là một đại học toàn diện và đa ngành. "Cách hiểu của tôi, và tôi là một nhà khoa học, về giáo dục khai phóng là nó bao gồm ba nhánh: khoa học xã hội, nhân văn và khoa học. Tại đây chúng tôi đưa vào cả các ngành kỹ thuật", bà nói. |
Việc gây được quỹ là rất quan trọng, cách duy nhất để một trường đại học thành công là phải gây được quỹ, là xã hội và cộng đồng cho rằng việc giáo dục những người trẻ là quan trọng. Ở Mỹ, cách này đã được chứng minh ở một mức độ lớn rằng những số tiền quyên góp, nhỏ và lớn, đã giúp cho nhiều sinh viên không thể trả học phí vẫn có thể đến trường. Những đóng góp đó mang lại sự bền vững cho một trường học và tôi hy vọng điều đó cũng đúng ở Việt Nam, xét sự quan tâm lớn của công chúng đối với việc giáo dục.
- Bà trở thành chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV như thế nào? Đó là vị trí bà xin vào, hay được mời làm?
- Tôi được bầu vào vị trí đó. Hội đồng Tín thác sẽ bỏ phiếu để bầu một người trong số họ trở thành chủ tịch. Thường quy trình sẽ là một người được đề cử, hội đồng hỏi họ có muốn hay không rồi bỏ phiếu thông qua.
Với tôi, tôi nghĩ mình là người am hiểu nhất việc vận hành của hội đồng tín thác, nên từ đầu việc tôi được đề cử khá logic (ở Wellesley, bà Bottomly là hiệu trưởng và cũng nằm trong Hội đồng Tín thác - PV). Nhiệm kỳ của tôi là một năm, sau đó họ có thể tái bầu tôi hoặc chọn một người khác.
- Một số người trong hội đồng có cả lịch sử dài với ngôi trường này, ngay cả từ khi nó chưa thành lập. Họ là một nhóm, gồm người ở cả Việt Nam và Mỹ, mang theo mong ước về việc thành lập trường đại học này, có những giáo sư người Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam, những người có liên hệ với trường Harvard Kennedy... Tôi là người đến sau đó.
Một số thành viên ban đầu của Hội đồng Tín thác đến gặp tôi khi tôi còn làm ở Đại học Wellesley và hỏi tôi có hứng thú với việc "start-up" một trường đại học không. Tôi thật sự hứng thú với việc tạo dựng một trường đại học từ bước phát thảo, ở một đất nước thật sự quan tâm đến việc giáo dục.
Tôi cũng thích ý tưởng về một trường đại học được truyền cảm hứng từ những ý niệm của giáo dục khai phóng, nhưng tại đây chúng tôi được làm mọi thứ từ đầu, không phải lặp lại những cách thức cũ kỹ. Tại đó, chúng tôi có thể lấy những phần mà mình cho là tốt từ truyền thống giáo dục khai phóng của Mỹ và tạo ra những thứ thật sự phù hợp sinh viên.
Ý tưởng về việc sinh viên "đồng kiến tạo" chương trình cũng hấp dẫn tôi, nếu nó hiệu quả, chúng tôi sẽ sử dụng, nếu không, chúng tôi có thể bỏ nó đi.Việt Nam còn là một đất nước tôi luôn thấy đặc biệt, nơi đã chia sẻ một phần lịch sử với nước Mỹ, một nơi rất quan trọng đối với những người ở thế hệ của tôi.