Vãn cảnh chùa trong một ngày cuối thu, chúng tôi có may mắn được gặp Thượng tọa Thích Thanh Nhung - người đã từng sống trong quân ngũ, phục vụ đường dây 559 đóng ở Quảng Trị. Từ nhỏ được các hòa thượng dìu dắt phục vụ nhiều chùa ở nhiều nơi như Sài Gòn, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, đến nay, Thượng tọa về trụ trì chùa Đậu đã được gần 30 năm.
Thượng tọa Nhung cho biết, khu chùa này rộng khoảng hơn 5 ha. Chùa có 5 tên gọi: Một là Thành Đạo Tự, hai là Pháp Vũ Tự, ba là chùa Vua, bốn là chùa Bà và năm là chùa Đậu. Đến nay chùa có gần 2.000 tuổi. Chùa thờ Đức Pháp Vũ, một trong tứ pháp nguồn gốc ở Hà Bắc. Mảnh đất quý của chùa này cũng là nơi hiện thân của Bồ tát Pháp Vũ. Trải qua nhiều dấu ấn lịch sử, chùa ghi lại dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa ngôi chùa này đã từng có nhiều vua chúa lui tới lễ bái cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an đều rất linh ứng nên gọi là “Quốc đảo”. Các hàng chí sĩ đến cầu nguyện đăng khoa công danh rạng rỡ, sự nghiệp viên thành. Người nông dân đến cầu nguyện cho sức khỏe, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Các vua chúa đã cho xây dựng sửa sang và phong tặng chùa là “Đệ nhất đại danh lam”.
Theo văn bia tự tạo dựng năm Dương Hòa đời thứ V thì ngôi chùa này được tôn tạo vào thời Lý (thế kỷ thứ XI). Qua nhiều thời đại bút tích lưu lại còn đậm nét trên bia đá tại chùa công nhận là nơi linh thiêng ứng nghiệm nước cầu dân khấn đều được linh ứng đúng như lời thơ tả: “Phật ngự trong trang nghiêm trên tòa sen, nơi đất phúc của đạo tâm, trời nam dành riêng cho cảnh đẹp nơi đây”.
Điều đặc biệt ở chùa Đậu là hơn 300 năm về trước, có hai thiền sư ở Việt Nam đắc đạo tại chùa. Đó là Từ Đạo Chân thế danh Vũ Khắc Minh và thiền sư Từ Đạo Tâm thế danh Vũ Khắc Trường. Các ngài để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí thời gian bào mòn. Qua thời gian vài chục năm, áo vải bị ẩm rơi rụng thiền sư chỉ còn da bọc xương, các thiện tín đã mặc cho thiền sư một lớp áo bằng sơn da. Cho đến nay, áo vẫn còn nguyên, thiền sư vẫn được khen là bền và đẹp. Năm 1983, khoa học đã chứng minh bằng X- quang hai vị thiền sư không có vết đục đẽo, không có hiện tượng rút ruột rút óc và các khớp xương dính chặt nhau như thể tự nhiên cân nặng 7 kg.
Trải qua bao thăng trầm, chùa vẫn uy nghiêm đến bây giờ. Khu nội công nguy nga lộng lẫy, cột trạm rồng nổi hoa văn bay bướm (nhưng rất tiếc khu này đã bị cháy không còn nữa). Khu ngoại quốc còn nguyên nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Bộ Văn hóa và nhà chùa cùng nhân dân địa phương đã lập phương án dự án thiết kế với một quy mô lớn tôn tạo lại di tích lịch sử của dân tộc. Nhà chùa mong nhận được sự phát tâm công đức của các phật tử thập phương, các du khách trong và ngoài nước, để một ngày không xa chùa Đậu sẽ được trùng tu trang nghiêm như xưa.