Chưa đấu, Việt Nam đã cầm chắc ngôi đầu SEA Games 2021

[Ngày Nay] - Theo dự báo, đoàn thể thao nước chủ nhà Việt Nam sẽ có thể đoạt 130-150 HCV tại SEA Games 31, 2021 để  đoạt ngôi nhất toàn đoàn, với khoảng cách bỏ xa đối thủ xếp sau tới vài chục HCV.
Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.
Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

Có thể đoạt ít nhất 130 HCV

Theo đề án đăng cai được Chính phủ phê duyệt, SEA Games 31, 2021 sẽ gồm 40 môn với tổng số 500 nội dung thi đấu. Hiện tại, đã có 36 môn với 450 nội dung theo đề án đăng của Việt Nam. Vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ thống nhất việc bổ sung 4 môn với 50 nội dung, từ 20 môn mà các đoàn đề xuất tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao ĐNÁ vừa kết thúc. Trong đó, có một số môn được rất nhiều đoàn đề nghị như esport,  bowling, jujitsu, ba môn phối hợp.

Ngay sau khi chương trình thi đấu dự kiến được công bố, các chuyên gia cùng giới chuyên môn đã dự báo ngôi nhất tuyệt đối SEA Games 31 coi như đang chờ sẵn Việt Nam, với hai lý do quyết định.

Thứ nhất, Việt Nam có thực lực nhất ở các môn Olympic. Tại SEA Games 30, Việt Nam chính là đoàn dẫn đầu ở các môn Olympic với 71 HCV, hơn Thái Lan đứng sau tới 20 chiếc. Thành quả này của Việt Nam chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều ở SEA Games 31 với một chương trình có sự áp đảo của các môn, nội dung Olympic. Trong 36 môn đã được chốt lại với tổng số 450 nội dung (chưa kể 4 môn với 50 nội dung sẽ được bổ sung), thể thao Việt Nam có thể đoạt HCV ở khoảng 30 môn, đứng đầu ít nhất 20 môn tại SEA Games 31. So trực tiếp với đối thủ chính Thái Lan, Việt Nam sẽ có thế “cửa trên” rõ rệt ở hàng loạt môn Olympic, nhất là hai môn cơ bản nhất điền kinh, bơi, cùng với thể dục dụng cụ, vật, rowing, canoeing. 

Chưa đấu, Việt Nam đã cầm chắc ngôi đầu SEA Games 2021 ảnh 1

VĐV Ánh Viên.

Thứ hai, thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 còn có lợi thế đáng kể khác  với sự tái xuất của hai “mỏ” Vàng Vovinam và đặc biệt là lặn sau nhiều kỳ vắng bóng. Riêng hai môn này đã có thể mang về cho Việt Nam tối thiểu 20 HCV.

 Dự báo tại SEA Games 31 Việt Nam sẽ đủ sức đoạt 130- 150 HCV, thậm chí có thể vượt qua kỷ lục 158 HCV ở lần đăng cai cách đây 17 năm để giành ngôi nhất toàn đoàn tuyệt đối, với khoảng cách vài chục HCV bỏ xa người Thái.

Một kỳ SEA Games thay đổi từ… “gốc” 

Với thực lực, khả năng và những lợi thế quá rõ để bước lên ngôi cao nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, có cơ sở để tin vào tuyên bố của lãnh đạo ngành thể thao về việc tổ chức một kỳ Đại hội fair-play. Trên thực tế, Việt Nam đã phần nào chứng tỏ điều đó ngay từ “gốc” với một chương trình thi đấu 36 môn có sự áp đảo của các môn Olympic, và không môn Olympic nào bị cắt nội dung.

Chưa đấu, Việt Nam đã cầm chắc ngôi đầu SEA Games 2021 ảnh 2

VĐV Tú Chinh đang bứt phá về đích.

Trong khi đó, như  thống kê của giới chuyên môn, sau mỗi kỳ Đại hội, chương trình thi đấu của SEA Games lại biến dạng tới phân nửa, khoảng 40-50%. Điều đáng nói, sự thay đổi này không theo bất cứ tiêu chí nào, mà do nước đăng cai toàn quyền quyết định. Lý do “điều kiện không cho phép” luôn được đưa ra để che giấu sự thật làm mọi cách để có lợi nhất cho mình, đồng thời triệt tiêu ngay từ đầu sức mạnh chủ yếu của các đối thủ cạnh tranh chính.

SEA Games mang danh đấu trường thể thao lớn nhất khu vực phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào nước đăng cai.  Philippines đã “tận dụng” và “phát huy” một cách tối đa điều này ở hai kỳ SEA Games gần đầy mà họ đăng cai 1991 và 2019. Chính Việt Nam đã từng thực hiện vòng quay này một cách hoàn hảo ở SEA Games 2003 trên sân nhà. Thái Lan hay Malaysia dù tuyên bố rất hào sảng nhưng khi “vào vai” cũng chứng tỏ mình “không phải dạng vừa”.

Chưa đấu, Việt Nam đã cầm chắc ngôi đầu SEA Games 2021 ảnh 3

So với các kỳ Đại hội trước, chương trình SEA Games 31 gồm 36 môn mà Việt Nam đưa ra có vẻ “ổn” nhất, với sự ưu tiên đặc biệt cho các môn, nội dung Olympic và ASIAD. Thậm chí, SEA Games 31 còn chuẩn Olympic hơn cả ASIAD 2018 do Indonesia đăng cai.

Tất nhiên, sự thay đổi tích cực ấy cũng mới chỉ giải quyết được phần nào những vấn đề bức bách của SEA Games ở một Đại hội cụ thể. Rất có thể, đến SEA Games sau, mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Qua 30 kỳ Đại hội, SEA Games vẫn không thống nhất được một chương trình thi đấu khung theo chuẩn Olympic và ASIAD. Nó gắn với sự mờ nhạt của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, việc trao quyền gần như tuyệt đối cho nước chủ nhà cùng khoảng cách và khác biệt trong phát triển của các nước.

Nếu tính từ SEA Games 2003 đến giờ, Việt Nam và Thái Lan là hai đoàn duy nhất luôn đứng trong Top 3 toàn đoàn trong mọi hoàn cảnh, kể cả việc chương trình thi đấu “biến dạng” tới phân nửa sau mỗi kỳ Đại hội. Có nghĩa là, xét riêng sân chơi khu vực, nếu bỏ qua lợi thế “khủng khiếp” của đoàn chủ nhà khi toàn quyền quyết định chương trình thi đấu, Việt Nam và Thái Lan có thực lực nhất, phần nào vượt trội so với phần còn lại.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).