“Nữ hoàng châu Á” là cô nông dân
Tại ASIAD trên đất Indonesia, ngay cả khi đã giành tấm HCV lịch sử, Bùi Thị Thu Thảo vẫn giữ được sự bình thản khó tin. Khuôn mặt khắc khổ của Thảo vẫn không có vẻ gì của một người vừa bước lên đỉnh cao châu lục. Thậm chí, chị còn bày tỏ sự nuối tiếc vì đã không phá được kỷ lục của bản thân.
Thực sự Thảo quá vui sướng và tự hào. Tuy nhiên, tất cả đều thể hiện đúng với sự chân chất, hồn nhiên, thẳng thắn của một cô nông dân con nhà nghèo đến từ vùng đất Ba Vì (Hà Nội).
Chỉ đúng 4 ngày sau khi trở về nước, Thảo đã lại quay trở lại với hố nhảy xa quen thuộc tại Nhổn. Ở đó, lại là những công việc chuẩn bị, những buổi tập lặng lẽ và miệt mài giống như cả nghìn ngày trước vinh quang. Không phải tấm HCV, chính niềm đam mê và sự gắn bó với hố nhảy mới là điều quan trọng nhất đối với Thảo. Ngay khi vừa về nhà, Thảo đã có cuộc trao đổi với chồng cùng gia đình, để nhận được sự ủng hộ tuyệt đối về việc tiếp tục theo nghiệp nhảy xa thêm nhiều năm. Cho dù Thảo sẽ tiếp tục phải “nhịn” sinh con. Cho dù Thảo sẽ tiếp tục chấp nhận cảnh xa nhà triền miên. Thảo đã lại hướng ngay tới những mục tiêu mới, như việc bảo vệ tấm HCV kèm theo kỷ lục SEA Games 2019, hay một chuẩn chính thức tới Olympic 2020.
Cũng nhờ kỳ tích ASIAD, lần đầu, Thảo nhận được một số tiền thưởng đáng kể. Và cô gái nông dân chưa từng biết tiêu gì cho bản thân mình đã lại nghĩ ngay tới chuyện sửa nhà ở quê cho bố mẹ, chữa bệnh cho người bố đau yếu quanh năm, còn lại tích lũy để có một tổ ấm riêng cho mình. Chỉ có điều, có lẽ còn rất lâu nhà vô địch ASIAD này mới góp đủ tiền để mua nhà, dù chỉ ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Chuyện ông thầy trẻ số 1
Với bất cứ môn nào của TTVN, chỉ cần đóng góp một tấm HCV ASIAD như của tuyển thủ nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã vô cùng xuất sắc. Chiến tích đặc biệt ấy thuộc về tổ nhảy của ĐTQG điền kinh. Càng đáng kinh ngạc hơn, bởi chính tổ nhảy còn có thêm một tấm HCĐ do công của tuyển thủ nhảy ba bước Vũ Thị Mến. Có lẽ hiếm cuộc đấu quốc tế nào lại có một đội hình có hiệu suất thành công “khủng” như thế, khi cử sang Indonesia đúng 3 VĐV đã mang về 1 HCV, 1 HCĐ.
Vô cùng đặc biệt vì đứng sau thành quả vô song ấy là một ông thầy trẻ, HLV 31 tuổi Nguyễn Mạnh Hiếu. Cựu tuyển thủ nhảy xa từng đoạt HCĐ châu Á này chính là điển hình cho khả năng phát huy nội lực, cách làm riêng của một thế hệ HLV trẻ.
Năm 2011, Hiếu giã từ nghiệp đấu, trở thành trợ lý HLV ở ĐTQG. Đây chính là khoảng thời gian mà ngoài những buổi làm việc miệt mài bên hố nhảy, Hiếu còn luôn nỗ lực học hỏi, tích lũy về kiến thức, kinh nghiệm. Đến 2015, ở tuổi 28, anh được tin tưởng giao phó dẫn dắt tổ nhảy xa, khi thầy Nguyễn Trọng Hổ chuyển công tác. Nhiều thuận lợi và cả những thành thức, thậm chí ngờ vực đặt ra cho ông thầy trẻ.
Hiểu rằng để biến tất cả thành cơ hội, Hiếu đã lao vào làm việc, bằng tất cả sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của mình. Mà như thế cũng chưa đủ, những quyết tâm và nỗ lực ấy còn phải phù hợp và phát huy được từng VĐV, nhất là trường hợp của Bùi Thị Thu Thảo, hay Vũ Thị Mến.
Chỉ mất đúng một năm, Hiếu đã có thể hoàn toàn làm chủ công việc của mình, vận hành xuôn xẻ cả tổ nhảy xa, gồm cả các trụ cột và các nhân tố trẻ. Không chỉ kế thừa tốt thầy Hổ mà Hiếu còn tạo nên dấu ấn riêng rất rõ nét của mình.
Năm 2017, tổ nhảy chỉ với 3 VĐV Thu Thảo, Văn Đông, Vũ Thị Mến gần như chỉ tập huấn quanh năm suốt tháng tại Nhổn dưới sự dẫn dắt của ông thầy trẻ đã đoạt tới 3 HCV SEA Games, 3 HCV châu Á. Năm 2018, chính tổ nhảy của HLV Nguyễn Mạnh Hiếu vừa mang về 2 huy chương ASIAD, trong đó có tấm HCV lịch sử của Thu Thảo.
Bi hài từ những tấm huy chương “rẻ” nhất ASIAD
Trong suốt quá trình chuẩn bị thì Thảo, Mến chỉ tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Nhổn, dưới sự dẫn dắt của thầy nội và chỉ có vài tuần sang Côn Minh, Trung Quốc tập huấn để thay đổi không khí. Kể từ đầu năm 2018, hai niềm hi vọng này cũng chỉ thi đấu đúng 2 giải quốc tế cùng 1 giải quốc nội. Nếu không tính các khoản cứng như tiền công, tiền ăn, trang thiết bị dụng cụ… thì tính ra đầu tư cho “cô gái Vàng” Thu Thảo chưa đến 200 triệu đồng.
Tấm HCV của Thảo chắc chắn là chiến tích “rẻ” nhất tại ASIAD 2018. Chiến tích của Mến thậm chí còn rẻ hơn.
Họ chiến thắng nhờ tài năng, ý chí, bản lĩnh và khát khao của bản thân, cùng dấu ấn của HLV ...
Trên thực tế, chuyện đầu tư cho Thảo hay Mến rất tệ. Mà vô cùng bi hài ở chỗ, nguyên nhân không phải không có tiền mà bởi không biết cách tiêu tiền, khi không có khả năng xây dựng kế hoạch hợp lý để giải ngân. 180 nghìn USD bộ môn điền kinh được cấp đã thừa tới phân nửa.
Chuyện đầu tư cho “mũi nhọn” đã chẳng giống ở đâu, tổ nhảy của điền kinh Việt Nam cũng đang vấp phải những rào cản cực lớn về nền tảng, với lực lượng kế thừa vừa mỏng vừa yếu. Đơn cử phía sau Thu Thảo, nhảy xa nữ Việt Nam chỉ có mỗi một đàn em Trúc Mai để trông đợi. Thế nhưng, nhà vô địch trẻ châu Á này không chỉ kém xa chị Thảo, mà còn bị thui chột vì căn bệnh thành tích. Thậm chí, BHL đang phải tính đến việc chuyển tài năng trẻ nhảy ba bước Ngọc Hà sang nhảy xa. So sánh đơn giản, người Thái đang phải mơ có một ngôi sao như Thảo song về nền tảng, tương lai họ sẽ vượt xa Việt Nam. Theo HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, chỉ riêng tổ nhảy xa ở cấp độ ĐTQG, Thái Lan đã có một đội hình lên tới 16 tuyển thủ.
Với kiểu đầu tư như thế, với 3 tuyển thủ, tổ nhảy của điền kinh Việt Nam lập kỳ tích ASIAD quả là một chiến tích phi thường, mà cả châu Á phải ngã mũ thán phục. Tuy nhiên, nếu cứ trông chờ cả vào những trường hợp đột xuất ngoại lệ kiểu này, quá khó hay nói cách khác là không thể mơ về một “mũi nhọn” lâu dài trên đỉnh châu lục.