Theo tạp chí BMJ Global Health ngày 10/5, giới nghiên cứu đã hối thúc các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo toàn cầu về những rủi ro mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra cho sức khỏe con người.
Công nghệ AI đã trở nên phổ biến hơn vào năm ngoái, sau màn ra mắt “bùng nổ” của ChatGPT - một chatbot có khả năng sáng tạo các văn bản mạch lạc từ những từ khóa hay gợi ý ngắn.
Sự phổ biến mạnh mẽ của ChatGPT đã “châm ngòi” cho cuộc chạy đua giữa những “gã khổng lồ” công nghệ như Google hay Microsoft, nhằm áp dụng công nghệ AI vào mọi sản phẩm, từ bảng tính tới công cụ tìm kiếm, qua đó thúc đẩy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Frederik Federspiel thuộc Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (Anh) và nhà khoa học David McCoy thuộc Đại học Liên hợp quốc ở Kuala Lumpur (Malaysia), đã chỉ ra một loạt mối đe dọa từ AI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con người, trong đó có hệ thống giám sát AI mạnh mẽ đang được phát triển ở hàng chục quốc gia, hay robot sát thủ và thông tin sai lệch.
Ví dụ như đối với việc chăm sóc sức khỏe, những người có làn da sẫm màu thường có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng hoặc giảm mức độ được ưu tiên chăm sóc do bộ dữ liệu được sử dụng để "huấn luyện" các thuật toán AI thường bị sai lệch.
Theo hai nhà nghiên cứu, các chuyên gia y tế cần phải nâng cao nhận thức và "gióng lên hồi chuông" cảnh báo về những rủi ro và mối đe dọa do AI có thể gây ra và sự hợp tác toàn cầu trong vấn đề này là điều cần thiết.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận gần đây đang gia tăng lo ngại khi cuộc chạy đua nghiên cứu AI diễn biến quá nhanh.
Ngày 1/5 vừa qua, nhà khoa học Geoffrey Hinton - được mệnh danh là “bố già AI” - đã tuyên bố rời khỏi tập đoàn Alphabet để cảnh báo về những nguy cơ từ công nghệ AI đối với xã hội và nhân loại.
Trước đó hai tháng, tỷ phú Elon Musk cùng hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực AI cũng đã kêu gọi thế giới tạm dừng phát triển công nghệ này để có thời gian đảm bảo an toàn và quản lý vận hành đúng cách.