Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ông Yamanaka Shinya, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Nghiên cứu Tế bào iPS của Đại học Kyoto, cảnh báo nếu không tiến hành các xét nghiệm cần thiết, nguy cơ các nhân viên y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gia tăng và làm dấy lên quan ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế.
Trong khi đó, Giáo sư Yanagihara Katsunori của Đại học Nagasaki nhận định giới chuyên gia không thể đánh giá chính xác tình hình hiện tại, bởi các số liệu của nhà chức trách không làm rõ sự khác biệt giữa tỷ lệ dương tính trong số những người đã có các triệu chứng với những người được xét nghiệm để sàng lọc từ một ổ dịch tiềm tàng.
Trước đó, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết kết quả xét nghiệm đối với 15 ca tử vong trong thời gian từ giữa tháng 3 đến ngày 22/4 cho thấy họ dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này làm dấy lên quan ngại về khả năng số người nhiễm trong thực tế có thể sẽ cao hơn so với con số thống kê của các cơ quan chức năng.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản lựa chọn phương án hạn chế xét nghiệm để tránh xảy ra tình trạng căng thẳng trong hệ thống y tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tiếp cận như vậy sẽ làm tăng nguy cơ không thể theo dõi con đường lây truyền của virus và không thể phát hiện sự bùng nổ của dịch bệnh. Cho đến nay, Nhật Bản mới tiến hành xét nghiệm theo phương pháp chuỗi phản ứng polymerase (PCR) đối với 130.000 người. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các nước khác, trong đó có Hàn Quốc – nước tính đến ngày 14/4 đã tiến hành hơn 520.000 xét nghiệm PCR.
Tính đến sáng 23/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản là 12.735 ca, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu tại cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa. Số ca tử vong là 312 ca, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess. Tokyo là địa phương có số ca nhiễm cao nhất với 3.439 ca.
Đáng chú ý, giới chức tỉnh Nagasaki ngày 24/4 đã phát hiện thêm 40 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm hơn 200.000 thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền Costa Atlantica của Italy neo đậu ngoài khơi tỉnh này, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên du thuyền này lên ít nhất 98 người. Lực lượng y tế tỉnh Nagasaki sẽ phối hợp với nhóm chuyên gia được Bộ Y tế cử tới, cùng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành xét nghiệm đối với khoảng 300 thành viên còn lại.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 24/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 10 người và tỷ lệ khỏi bệnh đạt 80%.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 24/4, với 6 ca mới được phát hiện (chủ yếu vẫn là từ nước ngoài), số ca nhiễm ở Hàn Quốc tổng cộng là 10.708 người. Số ca tử vong vẫn là 240 ca, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Thêm 90 người được trị khỏi hoàn toàn, nâng tổng số người bình phục lên 8.501 người, chiếm 79,3%.
Trước tình hình số ca nhiễm mới giảm về mức một con số, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng quy định "giãn cách xã hội", đồng thời cắt giảm số lượng bệnh viện dành riêng cho điều trị bệnh truyền nhiễm. Bắt đầu từ ngày 23/4 vừa qua, hơn 680 giường bệnh của 12 bệnh viện đã được gỡ bỏ chỉ định chuyên dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Theo KCDC, biện pháp này nhằm cân bằng số giường bệnh điều trị cho bệnh nhân thường và bệnh nhân nhiễm COVID-19 để đối phó với trường hợp dịch kéo dài.
Cùng ngày, Tướng Robert Abrams, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), đã gia hạn Tình trạng Y tế công cộng Khẩn cấp thêm một tháng sang ngày 23/5 tới.
USFK đã ban bố Tình trạng Y tế công cộng Khẩn cấp do dịch COVID-19 vào ngày 25/3 vừa qua.Việc gia hạn này không làm thay đổi các biện pháp bảo vệ y tế của quân đội mà chỉ nhằm phòng ngừa nguy cơ virus lây lan. Cho tới nay, USFK đã ghi nhận 25 ca nhiễm trong số các thành viên của lực lượng này.