Theo BBC, anh Jérôme Hamon là người đầu tiên trên thế giới trải qua hai ca cấy ghép mặt. Tuy nhiên, năm 2017, khuôn mặt được cấy ghép đầu tiên của anh đã buộc phải cắt bỏ sau khi cơ thể anh xuất hiện dấu hiệu phản ứng kháng sinh không tương thích trong một đợt điều trị cảm lạnh.
Suốt hai tháng, anh Hamon đã phải nằm viện để chờ người hiến phù hợp với mình. Anh cho biết: “Ở ca phẫu thuật đầu tiên, tôi đã đồng ý ngay khuôn mặt được cấy ghép cho mình và lần này cũng thế”.
Hamon mắc chứng thần kinh đệm tuýp 1, một tình trạng di truyền gây ra các khối u làm biến dạng trầm trọng khuôn mặt. Năm 2010, ca ghép mặt đầu tiên của anh diễn ra rất thành công. Nhưng 5 năm sau, anh mắc bệnh cảm lạnh và được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị.
Loại thuốc này không tương thích với liệu pháp miễn dịch mà các bác sĩ đang sử dụng trên cơ thể Hamon nhằm phòng ngừa việc cơ thể kháng lại khuôn mặt được cấy ghép. Dấu hiệu phản ứng thuốc đầu tiên xuất hiện vào 2016 và tháng 11/2017, khuôn mặt bị hoại tử đã buộc phải cắt bỏ.
Hamon đã sống trong một căn phòng tại bệnh viện Georges-Pompidou tại Paris mà không thể nghe, nhìn hoặc nói cho đến tận tháng 1 năm nay, khi ca cấy ghép mặt thứ hai được tiến hành sau khi một khuôn mặt phù hợp được tìm thấy. Để tránh lặp lại sự cố phản ứng trước đó, các bác sĩ đã thay máu cho Hamon trước khi phẫu thuật.
Khuôn mặt mới của người đàn ông này tuy vẫn còn hạn chế về cử động cơ mặt, hộp sọ, da và một số chức năng khác vẫn chưa được điều chỉnh hoàn toàn nhưng anh vẫn rất lạc quan về khả năng hồi phục của mình.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Pháp tại bệnh viện nơi anh đang điều trị, Hamon cho biết hiện anh rất hài lòng với khuôn mặt này: “Tôi đã 43 tuổi rồi nhưng người hiến mặt mới chỉ 22 thôi, nên tôi lại trở về thuở đôi mươi một lần nữa”.
Cuộc phẫu thuật được tiến hành dưới sự chỉ đạo của giáo sư Laurent Lantieri, người thực hiện ca cấy ghép đầu tiên của anh Hamon 8 năm trước đó. Theo báo Le Parisien, giáo sư cho biết: “Ngày nay, việc cấy ghép mặt kép đã đi vào thực tiễn chứ không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu”.
Theo VietNamNet