Sức bật đà 3,13 kỷ lục
Sau hai năm nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, chủ công sinh năm 2000 Bích Tuyền đã lần đầu được triệu tập lên ĐTQG để chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng nhất trong năm là SEA Games 30. Trước đó, Tuyến đã để lỡ cả giải U.23 châu Á và VTV Cup trên sân nhà do dính chấn thương lưng, và vừa mới kịp bình phục để trở lại. Sự tái xuất của “viên ngọc thô” này được kỳ vọng có thể giúp cho ĐTVN có thêm nhiều phương án tấn công mang tính khác biệt. Trên nền tảng chiều cao lý tưởng 1,88 m cùng cổ tay dài, mạnh và dẻo hiếm có, Bích Tuyền đang có sức mạnh và sức bật tốt bậc nhất. Trong đó, riêng về sức bật đà, cô gái đến từ Vĩnh Long hoàn toàn vô đối, với mức kỷ lục 3,13 m, hơn cả Ngọc Diễm (3,10 m), bỏ xa Thanh Thúy (3,04 m). Bích Tuyền luôn có thể tung ra những pha nhảy đập trái phá trên lưới, hay những cú dứt điểm sấm sét từ sau vạch 3 m chẳng khác gì các tuyển thủ nam hàng đầu. Tài năng trẻ còn có thể chơi tốt ở cả vị trí chủ công lẫn vị trí đối chuyền.
Tài năng của Tuyền đã được chứng minh tại giải U.19 châu Á 2018 trong màu áo Tuyển trẻ VN hay giải quốc tế nữ Bình Điền 2019 khi đều nằm trong nhóm ghi nhiều điểm nhất. Tuyền cũng góp công lớn giúp đội bóng quê nhà Truyền hình Vĩnh Long vốn gặp khó về mọi mặt trụ hạng thành công cả hai mùa gần đây. Dù sở hữu những tố chất độc nhất vô nhị, đang tiến bộ vượt bậc, Bích Tuyền vẫn còn thua kém các đàn chị trên Tuyển về kinh nghiệm, cũng như còn những hạn chê cơ bản về thể lực, kỹ chiến thuật cần được rèn giũa. Tại SEA Games 30, chủ công 19 tuổi khó có thể có một suất chính thức trong đội hình. Thay vào đó, Tuyền sẽ đóng vai của một “dự bị chiến lược” hay “nhân tố bí ẩn” được tung vào sân ở những thời điểm phù hợp, quan trọng để tận dụng, phát huy những thế mạnh đầy khác biệt của mình.
VĐV Bóng chuyền Nguyễn Thị Bích Tuyền. |
Từng từ chối chuyến du đấu tại Mỹ
Theo giới chuyên môn đánh giá, nếu được tập trung đầu tư đào tạo tốt, Bích Tuyền hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao mới của bóng chuyền nữ Việt Nam, không thua kém gì “khủng long” Thanh Thúy. Trên thực tế, Tuyền còn rất nhiều tiềm năng, sức vươn khi mới được ăn tập 5 năm, với điều kiện khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, tại đội bóng luôn phải lo trụ hạng Truyền hình Vĩnh Long. Rất đáng tiếc cách đây hai năm, vì nhiều lý do khác nhau, Tuyền đã từ chối lời mời sang vừa thi đấu vừa học tập tại trường Đại học Oregon (nơi có đội bóng nằm trong tốp đầu của giải thể thao sinh viên Mỹ).
Phát hiện ra những tố chất hiếm có của Tuyền khi “đấu thuê” cho Bình Điền Long An ở giải quốc tế tại Việt Nam, họ đã đề nghị tặng cô một học bổng bốn năm trị giá 200 nghìn USD. Nếu được đào luyện tại Mỹ, chắc chắn Tuyền đã tiến xa. Thậm chí, Tuyền cũng đã khác nhiều nếu là quân của các “lò” hàng đầu trong nước như Bình Điền Long An, Thông tin LVPBank. Ở thời điểm hiện tại, cơ hội để chủ công có sức bật đà lên tới 3,13 m này chính là các đợt tập huấn và tranh tài cùng ĐTQG.
Giống như đàn chị Thanh Thúy, Bích Tuyền sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến thể thao, từ bé đã sớm bộc lộ những điểm vô cùng khác người, cao lênh khênh, chân tay đều rất dài, cơ bắp rắn chắc. Năm 14 tuổi, khi được tuyển vào tuyến năng khiếu của bóng chuyền Vĩnh Long, Tuyền đã cao tới 1,74 m.
Với sự xuất hiện của Bích Tuyền, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự tranh SEA Games 30 sẽ có tới 4 gương mặt có chiều cao đạt và vượt mức 1,85, và cô gái quê Vĩnh Long là người đứng thứ hai. Cụ thể 4 tuyển thủ “sếu vườn” vượt trội – gồm chủ công Trần Thị Thanh Thúy (22 tuổi, cao 1,93 m), chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền (19 tuổi, cao 1,88 m), phụ công Bùi Thị Ngà 25 tuổi, cao 1,87 m), phụ công Lưu Thị Huệ (20 tuôi, cao 1,85 m).
Bóng chuyền nữ Việt Nam có nguy cơ “trắng tay” sau 18 năm
Trước thềm SEA Games 30, bóng chuyền nữ Việt Nam vừa có một giải đấu cấp khu vực với 6 trận toàn thua, điều chưa từng xảy ra trong suốt 20 năm nay, nhất là với cả các đối thủ vốn luôn thua kém mình. Không chỉ thất bại dễ dàng trước người Thái 2 trận, Việt Nam đã thua Indonesia và Philippines cả trận lượt đi lẫn lượt về. Trong đó, lần đầu sau 18 năm, Việt Nam thua Philippines, và đáng nói hơn thua tới hai trận.
Thảm bại tại Asean Grand Prix cũng chứng tỏ sự tụt hậu của bóng chuyền nữ - môn vốn luôn được xã hội quan tâm, đầu tư bậc nhất của thể thao Việt Nam. Chẳng những ngày càng bị người Thái bỏ xa, Việt Nam còn bị Indonesia qua mặt một cách rõ ràng, trong khi Philippines cũng đuổi kịp. Cách đây chỉ vài năm, Indonesia và Philippines luôn là hai đối thủ mà Việt Nam không phải “tính đến”. Việc ngôi sao Nguyễn Thị Ngọc Hoa giải nghệ để lại một khoảng trống quá lớn và vẫn chưa có gương mặt và phương án nào có thể thay thế được.
Tại SEA Games 30, khả năng để bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn thành mục tiêu tái chiếm ngôi Á quân tại SEA Games 30 từng mất vào tay Indonesia hai năm trước được cho là quá khó. Thậm chí, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đứng trước nguy cơ lần đầu tiên, kể từ SEA Games 2001, văng khỏi nhóm có huy chương.