Riêng ở đấu trường Đông Nam Á, qua 10 kỳ SEA Games, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã tự “đóng khung” mình trong một đích nhắm muôn thuở: Bảo vệ ngôi á quân, sau… người Thái.
Đội tuyển… năm một
Sau tấm HCB SEA Games năm 2001, bóng chuyền Việt Nam chỉ mặc định nhắm đích tới sân chơi SEA Games và chăm chăm bảo vệ cho chắc vị trí thứ hai. Đến giờ, qua 9 kỳ SEA Games, các tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam đã trải qua ký ức buồn toàn thua người Thái ở 8 trận chung kết liên tiếp. Điều đáng nói, trong những thất bại theo cách không thể đỡ nổi ấy, Việt Nam chỉ “lấy” được của đối thủ được đúng 2 hiệp thắng. Riêng SEA Games 2017, Ngọc Hoa cùng các đồng đội thậm chí còn lần đầu để thua Indonesia ngay từ bán kết, không còn có cơ hội tái ngộ Thái Lan để giữ được HCB.
Có thể thấy, bóng chuyền nữ Việt Nam chưa từng xác lập một chiến lược hay mục tiêu để chí ít cũng quyết tâm bám đuổi rồi song hành cùng người Thái tiến ra châu lục. Những kết quả tốt, rõ nhất với hạng 4 tại Cúp châu Á 2012, đã chứng rỏ rằng Việt Nam có thể thua Thái Lan tại SEA Games song vẫn hoàn toàn có thể có thứ hạng cao ở châu lục. Tư duy SEA Games và nỗi ám ảnh Thái Lan nặng nề đến mức đã giống một “tiềm thức” của các HLV và cầu thủ. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hễ chạm trán người Thái thường xuyên tự thua và thua thảm.
Cùng với tư tưởng yếm thế là điểm yếu chết người về đào tạo trẻ. Mảng trọng yếu này lâu nay bị phó mặc hoàn toàn cho các địa phương, đội bóng. Ngoại trừ một vài “lò” như Thông tin, Long An và Ngân hàng Công Thương chịu khó làm bài bản, các đội bóng khác đều bỏ qua khâu đào tạo trẻ, mà chỉ chú ý đến thành tích trước mắt.
Trên một mặt bằng chung quá khan hiếm cầu thủ có chất lượng, đội tuyển quốc gia cũng không thể mạnh. Chưa kể, mỗi tuyển thủ khi lên tuyển lại theo một kiểu, khiến cho các HLV cũng không biết xoay sở thế nào. Thực sự, đội tuyển quốc gia mới chỉ là một tập hợp qua từng giải đấu chứ không có một nền tảng chung, với một lối chơi riêng của mình. Đội tuyển bóng chuyền nữ chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất, cũng như có tuyến trẻ kế cận. Chính xác, đây là “đội tuyển năm một”, với kế hoạch và mục tiêu đúng nghĩa năm nào biết năm đấy. Đội hình, lối chơi gắn chặt với từng giải đấu trước mắt, xoay quanh hai giải đấu: Giải nữ quốc tế VTV Cup và SEA Games.
Hệ thống đào tạo 5 tuyến “khủng” của người Thái
Ở đội tuyển Thái Lan từ nhiều năm nay, không có ngôi sao nào hơn được Ngọc Hoa hay kể cả Kim Huệ của Việt Nam. Xét riêng về hình thể, đơn cử như chiều cao trung bình, thậm chí họ còn kém hơn. Độ tuổi trung bình của họ cũng cao hơn 3-4 tuổi. Tuy nhiên, trên phương diện một đội bóng, họ đang vượt quá xa Việt Nam, với một sức mạnh tập thể, kỹ chiến thuật hoàn hảo, cùng một lối chơi có bản sắc rõ ràng. Quan trọng hơn, phía sau đó, là các đội tuyển trẻ nằm trong một hệ thống chung, đều ở trình độ hàng đầu châu lục, tiếp cận thế giới, sẵn sàng thi đấu ở đội tuyển quốc gia bất cứ lúc nào.
Để có đỉnh cao như hiện nay, Thái Lan đã trải qua tới hai thập kỷ bền bỉ đào tạo trẻ với đầu tư lớn, khát vọng lớn. Điểm nhấn mang lại thành công của người Thái chính là hệ thống đào tạo quốc gia gồm 5 lứa tuổi, bắt đầu từ U13 cho đến đội tuyển quốc gia, theo một chương trình chung, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV chuyên nghiệp hùng mạnh. Các cầu thủ của họ liên tục được thi đấu cọ xát tại các giải đấu quốc tế đỉnh cao đủ loại, trong màu áo của đội tuyển và CLB.
Mỗi năm có tới vài chục lượt tuyển thủ Thái được tạo điều kiện xuất ngoại đầu quân cho các CLB hàng đầu. Từ những năm 1990, họ đã chi ra khoản kinh phí lớn để thường xuyên đăng cai những cuộc đấu tầm cỡ châu lục, thế giới.
Ngoài hệ thống đào tạo trẻ bài bản và bản sắc, như đánh giá của Shanrit Wongprasert - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền châu Á và Thái Lan - thì thành công của bóng chuyền nữ nước này có được chủ yếu nhờ việc liên tục được dự tranh các giải đấu đẳng cấp thế giới. Thái Lan đã từng nhiều lần đăng cai những cuộc đấu đỉnh cao như World Grand Prix mà chỉ một vòng đã tốn kém tới 300.000 – 400.000 USD song rất hiệu quả.
Nhìn vào mẫu hình thành công đặc biệt của người Thái mới thấy, Việt Nam không thua kém toàn diện mới là điều lạ. Nhất là khi, gần hai thập kỷ qua, thành tích của bóng chuyền nữ Việt Nam gần như đứng nguyên tại chỗ.
Trong khi các CLB bóng chuyền Thái Lan từ lâu đã thành công với việc thuê cầu thủ nước ngoài với những ngôi sao hàng đầu của châu Á, châu Âu hay tung quân ra nước ngoài đấu thuê, thì Việt Nam lại nói không với ngoại binh tại giải VĐQG từ năm 2014 sau 10 mùa giải thất bại hoàn toàn. Việc này không mang lại hiệu quả gì, ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng đào tạo trẻ.