Chuyện về tòa nhà chọc trời duy nhất của Paris

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Người Paris thường đùa rằng nóc tòa Tháp Montparnasse có tầm nhìn đẹp nhất thủ đô nước Pháp. Không phải vì tầm nhìn ngoạn mục ra Tháp Eiffel hay Vương cung thánh đường Sacre-Coeur nằm trên đỉnh Montmartre, mà bởi vì đây là nơi duy nhất mà du khách không phải nhìn thấy nhà cao tầng.
Tòa tháp Montparnasse vẫn hứng chịu sự chỉ trích của người dân Paris trong suốt 50 năm qua. Ảnh: AFP
Tòa tháp Montparnasse vẫn hứng chịu sự chỉ trích của người dân Paris trong suốt 50 năm qua. Ảnh: AFP

Kể từ khi tòa tháp 59 tầng ốp kính màu chocolate được khánh thành vào năm 1973, nó đã bị nhiều người dân Paris chê trách là một sự tàn phá cảnh quan của “Kinh đô ánh sáng”. Đây là tòa nhà chọc trời duy nhất ở Paris, cao 210 m, tọa lạc tại một thành phố được biết đến chủ yếu nhờ sự đồng nhất về kiến trúc.

Làn sóng chỉ trích tòa nhà đã xuất hiện ngay từ khi được các kiến trúc sư Jean Saubot, Eugène Beaudouin, Urbain Cassan và Louis de Hoÿm de Marien bắt tay xây dựng. Trong lịch sử, người dân Paris gần như phản đối vô điều kiện đối với những thay đổi lớn liên quan tới diện mạo thành phố.

Tháp Eiffel, được hoàn thành vào năm 1889, từng một thời bị chế giễu, khi một số người gọi nó là “cột đèn đường thảm hại” hay “bộ xương khổng lồ vô duyên”. Nhiều người cảm thấy các kim tự tháp bằng kính nổi tiếng của kiến trúc sư I.M. Pei, được lắp đặt bên ngoài Bảo tàng Louvre vào giữa những năm 1980, có phong cách quá cấp tiến.

Trong khi các cư dân cuối cùng của Paris dần sinh thiện cảm với những công trình mang tính biểu tượng trên, Tháp Montparnasse vẫn bị một lượng lớn người chê bai dù đã bước sang tuổi thứ 50 vào ngày 18/6 vừa qua.

Một thành phố đang "thay da đổi thịt''

Để hiểu tại sao nhiều người dân Paris coi Tháp Montparnasse là một tòa kiến trúc lạc lõng, cần phải xem xét quá trình quy hoạch xây dựng của thành phố này.

Hoạt động quy hoạch Paris và phong cách kiến trúc của thành phố chủ yếu bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, thành phố trở nên quá đông đúc, ẩm ướt và đầy bệnh tật. Để biến Paris trở thành một biểu tượng cho sự hùng vĩ của Pháp, Hoàng đế Napoléon III đã nhờ đến Nam tước Georges-Eugene Haussmann, khi đó là tỉnh trưởng của tỉnh Seine, nhằm biến Paris thành một thành phố châu Âu hiện đại, sôi động.

Haussmann sau đó đã san bằng nhiều con phố thời trung cổ chật chội và các tòa nhà đổ nát của Paris, nhường chỗ cho những đại lộ rộng rãi, quảng trường công cộng, công viên cây xanh và hệ thống thoát nước mới, tất cả các công trình này đã giúp hồi sinh và làm sạch thành phố.

Chuyện về tòa nhà chọc trời duy nhất của Paris ảnh 1

Di sản của Nam tước Georges-Eugene Haussman vẫn còn hiện diện tại Paris cho tới ngày nay.

Phần dễ thấy nhất trong di sản của Haussmann là phong cách kiến trúc mang tên ông: các tòa nhà chung cư kiểu Haussmannian, các cấu trúc 6 tầng có mặt tiền bằng đá phổ biến khắp Paris và tạo cho thành phố nét thẩm mỹ đồng nhất, khác biệt.

Khoảng một thế kỷ sau, Paris phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng danh tính khác. Mặc dù bản thân thành phố vẫn còn nguyên vẹn, nhưng Thế chiến II đã khiến phần lớn nước Pháp trở thành đống đổ nát. Tái phát triển đồng nghĩa với cơ hội hiện đại hóa đất nước một lần nữa, lần này bằng cách bổ sung thêm các đường cao tốc trên toàn quốc và các tòa nhà chọc trời mới, giống như những gì người ta làm tại Mỹ và Anh.

“Trên đống đổ nát của thảm họa chiến tranh, họ muốn xây dựng một thứ gì đó hoàn toàn mới cho một thế hệ mới", theo giáo sư Virginie Picon-Lefebvre từ tại trường kiến trúc Ecole Nationale Superieure d'Architecture Paris-Belleville.

Khu phố Montparnasse, nằm ở phía nam Paris, là một trong những "ứng cử viên" đầu tiên cho dự án đổi mới đô thị quy mô lớn của thành phố trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau năm 1945.

Khu vực này đã trải qua một số biến chuyển. Vào những năm 1920, đây là điểm nóng của phong cách Bohemian dành cho các nhà văn và nghệ sĩ như Salvador Dali và Ernest Hemingway. Nhưng đến những năm 1950, nó đã trở thành một khu vực tồi tàn được biết đến bởi những con hẻm nhỏ, những tòa nhà bị vẽ bậy và một nhà ga xe lửa quá đông đúc.

Mặc dù các kế hoạch xây dựng một tòa tháp đã được vạch ra, thế nhưng chỉ khi nền Cộng hòa thứ năm của Pháp và Tổng thống Charles de Gaulle trở lại nắm quyền vào năm 1958, kế hoạch mới được thực thi.

Mục tiêu là xây dựng một khu phố hiện đại phục vụ cho thế hệ doanh nhân mới, với đầy các văn phòng, tòa nhà chung cư mới, một nhà ga xe lửa được cải tạo, một đường cao tốc nối đến sân bay mới đang được xây dựng ở phía nam Paris, cùng với đó là Tháp Montparnasse.

Giáo sư Picon-Lefebvre giải thích: Lúc đầu, có sự phấn khích về triển vọng hiện đại hóa Paris, đặc biệt là trong giới kiến trúc sư, kỹ sư và nhà phát triển. Nhiều tòa nhà cao tầng và kế hoạch chuyển đổi đã được vạch ra, đặc biệt là dự án xây dựng một khu kinh doanh ở phía tây Paris có tên là La Defense.

Nhưng dư luận nhanh chóng quay lưng lại với tòa tháp, khi chiều cao của nó trở nên quá vượt trội so với các tòa nhà xung quanh. Nhiều cư dân phàn nàn rằng tòa nhà chọc trời Montparnasse không phù hợp với một thành phố mà hầu hết các tòa nhà chỉ cao 6 tầng.

Bất chấp những lo ngại này, dự án vẫn tiếp tục. Tổng thống Georges Pompidou đã phê chuẩn kế hoạch xây Tháp Montparnasse vào năm 1969 và chỉ 4 năm sau, tòa tháp cao nhất châu Âu khi đó đã được khánh thành.

Chuyện về tòa nhà chọc trời duy nhất của Paris ảnh 2

Tòa tháp Montparnasse được khánh thành vào năm 1973.

“Thật kinh khủng”, đó là nhận xét của một người qua đường khi được hỏi về Montparnasse khi nó mới được hoàn thiện. Một người phụ nữ khác cho rằng tòa nhà cao tầng này "thật khủng khiếp".

Tuy nhiên, một số người Paris cho rằng tòa tháp rất hiện đại và là dấu hiệu của sự tiến bộ. Tòa nhà cũng đã thu hút sự chia sẻ của những cư dân cao cấp, bao gồm các đời Tổng thống Pháp François Mitterrand, Jacques Chirac và Emmanuel Macron. Cả ba đều thành lập văn phòng tranh cử ngay trong Montparnasse suốt 50 năm qua.

Giáo sư Picon-Lefebvre cho rằng rằng mặc dù Tháp Montparnasse không được ưa chuộng, nhưng nó vẫn đáng được khen ngợi với các văn phòng hiện đại, tầm nhìn tuyệt đẹp ra Paris và dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng.

“Thật thoải mái khi làm việc ở đó”, bà Picon-Lefebvre nói.

Tương lai của những tòa nhà chọc trời

Không giống như Eiffel, công chúng Pháp không tỏ ra nồng nhiệt với Tháp Montparnasse. Do sự phản đối kịch liệt của người dân, hội đồng thành phố Paris đã cấm xây dựng các tòa nhà cao hơn 37 m vào năm 1977. Các tòa nhà chọc trời đã bị trục xuất đến La Defense hoặc các vùng ngoại ô khác cho đến năm 2010, khi chính quyền thành phố Paris nới lỏng các yêu cầu về chiều cao, cho phép xây dựng các tòa tháp văn phòng ở ngoại ô, nhưng vẫn nằm trong ranh giới thành phố.

Quyết định đó đã khơi mào một cuộc tranh luận mới. Giới chỉ trích lập luận rằng sự có mặt của Tháp Montparnasse như một lời cảnh báo, vì nhiều người Paris vẫn coi tòa nhà chọc trời 50 tuổi này là công trình chướng mắt.

Một ứng cử viên phe bảo thủ khi vận động bầu cử thị trưởng Paris năm 2014 thậm chí còn đề xuất phá hủy tòa tháp, gọi đó là “thảm họa đô thị”. Trong khi đó, ứng cử viên chiến thắng, thị trưởng đương nhiệm Anne Hidalgo, gọi đề xuất này là “vô nghĩa”, nhưng bản thân bà cũng thừa nhận tòa nhà “chắc chắn không phải là đẹp nhất" Paris.

Tuy nhiên, một số người cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại quan điểm cực đoan của nhiều người dân Paris. Kiến trúc sư nổi tiếng Jean Nouvel cho biết ông tin rằng đã đến lúc “ngừng nghĩ rằng Paris là một thành phố bảo tàng”.

“Paris vẫn chưa kết thúc", ông Nouvel phát biểu trên tờ Le Parisien năm 2008. “Nếu các tòa nhà thẳng đứng có thể làm phong phú thêm trái tim thủ đô, tại sao chúng ta lại tước đoạt chúng?”.

Chuyện về tòa nhà chọc trời duy nhất của Paris ảnh 3

Giới kiến trúc sư và công chúng Paris có quan điểm trái chiều về các tòa nhà chọc trời.

Sau một quá trình đấu thầu kéo dài, chính quyền Paris vào năm 2015 đã phê duyệt việc xây dựng tòa nhà chọc trời thứ hai của Paris, Tháp Triangle cao 180 m ở rìa quận 15 phía tây nam thành phố.

Mặc dù thị trưởng Hidalgo ban đầu ủng hộ dự án này, nhưng chính quyền của bà một lần nữa cấm xây dựng các tòa nhà chọc trời trong tương lai. Giới hạn chiều cao 37 m đối với các tòa nhà đã được khôi phục vào tuần trước với lý do nhằm chống biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon trong thành phố.

Tháp Triangle dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2026. Liệu nó lại một lần nữa hứng chịu sự chỉ trích của người dân Paris giống như người "anh em" 50 tuổi của nó hay không vẫn là một điều đáng xem xét.

Theo CNN
Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.