5 giờ đoạt 2 HCV, phá 1 kỷ lục tồn tại 17 năm
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) chiều 13/11/2020 chứng kiến một kỳ tích mới của cô gái bé nhỏ Nguyễn Thị Oanh đến từ Bắc Giang. Oanh không chỉ xuất sắc giành HCV nội dung 10.000m nữ mà còn phá sâu kỷ lục quốc gia do đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa) lập năm 2003. Thành tích 34:08.54 của Oanh hơn kỷ lục cũ đứng vững đã 17 năm qua tới gần 40 giây.
Trên thực tế, đây không phải sở trường của Nguyễn Thị Oanh bởi cô gái sinh năm 1995 chỉ chuyên 1.500m, 5.000m và 3000m chướng ngại, cả 3 nội dung mà Oanh đã giành HCV. Thế nhưng với nỗ lực tuyệt vời, “Ỉn” Oanh đã có những bước chạy kết đọng cả tài năng, ý chí và sự bền bỉ phi thường. Rướn thêm một chút qua mỗi vòng chạy, cố thêm chút lực ở những lần bật chạy… cô gái đến từ Bắc Giang dường như gửi vào đó toàn bộ sức lực của mình.
Khi gần về đến đích, mắt Oanh đã đỏ lên vì nước mắt. Cô gái bé nhỏ đầy nội lực cán đích trong niềm tự hào và cảm xúc dâng trào. Chị đã tạo nên một kỳ tích, vượt tầm môn điền kinh và một giải đấu quốc nội, nhất là đặt trong bối cảnh của một năm chỉ tập “chay” vì dịch COVID-19.
Đáng nể hơn, Oanh đã chinh phục chiến tích vô cùng sáng giá ấy chỉ 5 tiếng sau khi dự tranh và chiến thắng ở một nội dung siêu khó khác là 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở cả hai đường chạy khắc nghiệt này, Oanh đều phải tranh tài trong điều kiện thời tiết nắng nóng, với nhiệt độ lên tới 35 độ C. Tính cả giải, Oanh đoạt tới 4 HCV, phá 1 KLQG.
Khi gần về đến đích, mắt Oanh đã đỏ lên vì nước mắt... |
Vượt tật bệnh quái ác, chinh phục “đỉnh” SEA Games
25 tuổi, Nguyễn Thị Oanh đã dự tranh 4 kỳ SEA Games, sở hữu một bộ sưu tập thành tích “khủng”, nổi bật là 5 tấm HCV. Tại Asian Games 2018, chị cũng từng đoạt tấm HCĐ được đánh giá là quý hơn cả Vàng. Thế nhưng, để có được chiến quả khổng lồ như hiện tại, cô gái con nhà nông dân nghèo ở tỉnh miền núi Bắc Giang đã phải đối mặt và vượt qua những thử thách khắc nghiệt, thậm chí cả nghịch cảnh, tật bệnh.
Lúc mới bén duyên đường chạy, Oanh từng bị các nhà tuyển trạch lắc đầu chê thân hình quá nhỏ bé khi nặng chưa tới 40kg và cao chưa tới 1m50 thời điểm đó. Thậm chí, bố của Oanh cũng từng không muốn con theo nghiệp thể thao đỉnh cao dù trong gia đình Oanh có tới 8 anh chị em.
Vừa phải nỗ lực hơn người để chứng minh với các thầy, Oanh còn phải bền bỉ dùng đủ cách để thuyết phục bố. Cuối cùng bố đã chỉ đồng ý khi thấy con gái quá yêu và nỗ lực quá.
...cán đích trong niềm tự hào và cảm xúc dâng trào. |
Sự quyết tâm và nỗ lực cao độ của Oanh đã được đền đáp với tấm HCB ở ngay lần đầu dự SEA Games năm 2013. Dù vậy, ngay sau đó, một cơn ác mộng đã bất ngờ ập đến khi chân chạy đang lên này bị chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận tai ác. Oanh phải rời xa đường chạy để tập trung chữa trị, và có thời điểm tưởng như đã phải giải nghệ luôn.
Chỉ có một ý chí thép của bản thân, cùng sự may mắn, giống như số phận đền đáp, Oanh mới vượt qua được tật bệnh để trở lại với niềm đam mê lớn nhất cuộc đời. Cô gái nhỏ bé lại lao vào tập luyện…như điên, trong sự lặng lẽ cùng nỗi khát khao cháy bỏng. Điều kỳ lạ, thể trạng của chị lúc này thậm chí còn “ngon lành” hơn cả trước lúc bị phát hiện bệnh viêm cầu thận.
Sự quyết tâm và nỗ lực cao độ của Oanh đã được đền đáp với tấm HCB ở ngay lần đầu dự SEA Games năm 2013. |
Trước SEA Games 2017, Oanh đã suýt không được tham dự vì có ý kiến cho rằng phải đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho chị. Phải nhờ thầy trò Oanh đấu tranh quyết liệt, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, tuyển thủ chân ngắn mới được đưa vào danh sách. Cô đã tạo nên một cuộc bùng nổ khó tin với một cú đúp HCV ở hai cự ly 1500m, 5000m, và đáng ra là cả tấm HCV 3000m vượt chướng ngại vật nếu nội dung này không bị loại khỏi chương trình thi đấu.
Đến SEA Games 30, một Nguyễn Thị Oanh bước vào độ “chín” nhất đã chứng tỏ sự vô đối hoàn toàn của mình. Bất chấp mọi hoàn cảnh, kể cả phải tranh tài hai nội dung cùng một ngày, tuyển thủ có biệt danh Oanh “Ỉn” vẫn vượt xa mọi đối thủ để “lấy” 3 HCV kèm theo 1 kỷ lục ở ba đường chạy 1500m , 5000m và 3000m vượt chướng ngại vật. Theo tiết lộ của lãnh đội Dương Đức Thủy, nếu không trùng lịch, Oanh đã được đăng ký thêm nội dung marathon nữ, và đủ sức tranh chấp sòng phẳng huy chương, kể cả Vàng.
Với những gì đã thể hiện, Nguyễn Thị Oanh đang sẵn sàng để chinh phục tầm cao mới, mà tâm điểm là SEA Games 31 trên sân nhà. Cô gái quê Bắc Giang được đánh giá dư sức để đoạt 3-4 HCV, tùy theo lịch thi đấu.
Tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Oanh cũng là VĐV điền kinh xuất sắc nhất khi đoạt tới 3 tấm HCV cá nhân, kèm theo một kỷ lục Đại hội. Trong đó, tuyển thủ sinh năm 1995 cũng khiến giới chuyên môn cùng người hâm mộ sửng sốt với 2 lần đăng quang chỉ trong một ngày ở 2 đường chạy siêu khó. Vào buổi sáng, Oanh đã chinh phục cự ly 5000m mà cô vượt trên đồng đội Phạm Thị Huệ để giành HCV. Chỉ sau đó vài giờ, Oanh tiếp tục có thêm một tấm HCV nữa trên đường chạy 3000m chướng ngại vật, kèm theo một kỷ lục SEA Games: 10 phút 00 giây 02, hơn kỷ lục cũ lục cũ tới 56 giây.