Sau hơn 10 ngày tranh tài, Đoàn Thể thao Việt Nam đã khép lại một kỳ SEA Games thành công rực rỡ với vị trí top 2 toàn đoàn, mang về 98 Huy chương Vàng - vượt xa các chỉ tiêu ban đầu đề ra là 65-70 huy chương Vàng và duy trì vị trí thứ 3 tại đại hội - dù chỉ tham gia tranh tài tại 43 trên tổng số 56 môn của SEA Games 30.
Đây là lần đầu kể từ SEA Games 2009, thể thao Việt Nam mới tái chiếm được vị trí này.
Càng ngọt ngào hơn vì đó là thành quả có được sau một cuộc đua tranh rượt đuổi quyết liệt và đầy kịch tính với Thái Lan - nền thể thao luôn được đánh giá có sức mạnh và sự toàn diện vượt trội trong khu vực.
Không quá lời khi nhận định đây là kỳ đại hội thành công bậc nhất của thể thao Việt Nam khi các vận động viên cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ ở các môn trọng điểm, thậm chí phá sâu nhiều kỷ lục SEA Games như "kình ngư" Huy Hoàng trên đường bơi 400m tự do (vượt chuẩn A Olympic), Hưng Nguyên ở nội dung bơi 400m hỗn hợp nam hay Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.
Bóng đá Việt Nam đã khép lại kỳ SEA Games 30 thật đáng nhớ khi lần đầu tiên giành "cú đúp Vàng" ở cả hai đội tuyển nam và nữ với những chiến tích thật ấn tượng.
U22 Việt Nam đã xuất sắc đánh bại U22 Indonesia với tỷ số 3-0 để lần đầu tiên giành tấm huy chương Vàng lịch sử tại một kỳ SEA Games.
Trong khi đó, đội tuyển nữ Việt Nam cũng đã bảo vệ thành công "ngôi Hậu," khẳng định vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á với 6 lần giành huy chương Vàng SEA Games - một kỷ lục của đại hội.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới các huy chương Vàng trong những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic.
Dù phải đối mặt muôn vàn khó khăn khi một số trụ cột không thể tham gia thi đấu, trong bối cảnh các đối thủ chính là Thái Lan và Philippines đã có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng (nhập tịch hàng loạt ngôi sao), nhưng điền kinh vẫn duy trì sức mạnh là "mỏ vàng" của Thể thao Việt Nam khi mang về 16 huy chương Vàng cùng 13 huy chương Bạc và 9 huy chương Đồng.
Thành tích này tuy vẫn còn kém cột mốc kỷ lục chúng ta xác lập tại SEA Games 29 một lần đăng quang, nhưng đã bỏ xa "kỳ phùng địch thủ" Thái Lan tới 4 huy chương Vàng, và chủ nhà Philippines 5 huy chương Vàng.
Bơi Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn với 10 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc và 9 huy chương Đồng, chỉ đứng sau Singapore. Dù hụt chỉ tiêu đặt ra khi chỉ giành 6 huy chương Vàng và 2 huy chương Bạc và thành tích thi đấu không cao như mong đợi, song "kình ngư" Ánh Viên vẫn là vận động viên giành nhiều huy chương Vàng nhất tại SEA Games 30. Đây là kỳ SEA Games thứ 3 liên tiếp tuyển thủ sinh năm 1996 chinh phục được đỉnh cao này.
Quần vợt Việt Nam cũng lần đầu tiên giành được tấm huy chương Vàng lịch sử ở nội dung đơn nam, kèm theo 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Bên cạnh đó, đội tuyển cử tạ cũng rất xuất sắc khi dự kiến phấn đấu đoạt 1 huy chương Vàng nhưng đã vượt chỉ tiêu, giành được tới 4 huy chương Vàng.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn chiếm ưu thế ở các nội dung thi đấu của môn vật (tự do và cổ điển). Trong số 14 huy chương Vàng của môn vật tại SEA Games 30, các vận động viên Việt Nam giành tới 12 tấm, "nhường" 2 huy chương Vàng còn lại cho nước chủ nhà Philippines.
Sau hơn 10 ngày thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam được tổng cộng 288 huy chương, trong đó có 98 huy chương Vàng, 85 huy chương Bạc, 105 huy chương Đồng, xếp ở vị trí thứ 2.
Với những thành công vang dội tại SEA Games 30, Thể thao Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sức bật và thăng tiến mạnh mẽ khi trở thành chủ nhà SEA Games 31 sẽ diễn ra sau đây 2 năm.
SEA Games 30: Khép lại kỳ đại hội thành công rực rỡ của thể thao Việt
Không quá lời khi nhận định đây là kỳ đại hội thành công bậc nhất của thể thao Việt Nam khi các vận động viên cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ ở các môn trọng điểm, thậm chí phá sâu nhiều kỷ lục SEA Games.
Theo Vietnamplus