Theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng từ năm học 2020-2021, nội dung cốt lõi của môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch kiến thức chính: số, đại số và một số yếu tố giải tích; hình học và đo lường; thống kê và xác suất, báo VTC News đưa tin.
Trong đó, thống kê và xác suất được xác định là một thành phần bắt buộc của giáo dục toán học trong nhà trường, nhằm tăng cường tính ứng dụng và giá trị thiết thực của giáo dục Toán học.
Mục đích của học phần thống kê và xác suất tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế; hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Từ đó, nâng cao hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.
Đối với học sinh lớp 2, các em được yêu cầu làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm, đọc và mô tả số liệu biểu đồ tranh, làm quen với các thuật ngữ như: "có thể", "chắc chắn", "không thể". Ảnh: VTC News |
Mục tiêu mà chương trình đưa ra ở cấp Tiểu học là giúp học sinh có những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản ban đầu, thiết yếu về thống kê và xác suất. Ở lớp 2, học sinh được làm quen từ những khái niệm rất đơn giản và dần dần được nâng lên ở các cấp cao hơn.
Trao đổi với báo Tiền Phong, cô V.T.M. - giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết đưa vào từ lớp 2 là khá nặng so với học sinh kể cả những câu đơn giản như tung mặt xúc xắc. Đương nhiên, tùy vào nhận thức, năng lực của từng học sinh sẽ tiếp nhận nhanh chậm khác nhau, giáo viên sẽ rất vất vả.
“Như hiện nay, học sinh quá đông, có những nội dung, giáo viên giải thích, lấy 3-4 ví dụ các em mới tiếp nhận được. Nội dung, kiến thức ở chương trình hiện hành đã nặng rồi vì vậy chỉ mong chương trình mới được giảm tải”, cô M. nói.
Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), khẳng định, nhiều nước đưa vào rất sớm từ Tiểu học, riêng Việt Nam đưa nội dung này vào dạy học hơi muộn so với thế giới.
Thầy Tùng cho rằng chương trình sắp xếp theo mô hình đồng tâm, mỗi năm nâng độ khó lên một chút, được bắt đầu bên trong đi ra và nâng dần lên nên sẽ không khó với học sinh.
Tuy nhiên, thầy Tùng cũng thừa nhận, cái khó chính là khía cạnh giáo viên. Lần đổi mới này đặt gánh nặng lên vai giáo viên rất lớn, nếu ai không nỗ lực tự đổi mới sẽ bị đào thải”, thầy Tùng nói.