Phần lớn mọi người bắt đầu nghĩ đến việc mua bảo hiểm khi có gia đình, bắt đầu đối mặt với những vấn đề có tầm nhìn xa, như chăm sóc sức khỏe người thân trong gia đình (nhất là bố mẹ, con cái), tích lũy cho con ăn học, tích lũy và bảo hiểm cho tài sản giá trị lớn (nhà, xe, công xưởng…). Đó cũng là lúc mọi người có dòng thu nhập tốt, ổn định và nhiều cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, điều gì sẽ đến khi dòng thu nhập của người mua bảo hiểm sụt giảm, không dư dả để có thể tiếp tục đóng các gói bảo hiểm dài hạn đã mua? Nếu xem số tiền đã đóng bảo hiểm là một khoản tiết kiệm (trừ những khoản bảo hiểm không hoàn lại, như bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe kèm các quyền lợi chăm sóc y tế đặc biệt có kỳ hạn), thì những quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm rất cặn kẽ.
Có những người mua nhiều gói bảo hiểm giá trị cao một lúc, xem đó như chỗ dựa về lâu dài. Nhưng rất nhiều trung lưu – nhất là giới văn phòng – dòng thu nhập không quá cao, tuy nhiên sau một số năm tích lũy thì có một khoản tài chính tương đối dư dả, bắt đầu tính đến chuyện đầu tư sinh lời. Với họ, trích từ 10 – 15% thu nhập cho bảo hiểm nhân thọ là một sự đắn đo. Thứ nhất, nên mua bảo hiểm hay dành toàn bộ tiền để đầu tư kinh doanh? Thứ hai, nếu đột nhiên dòng thu nhập sụt giảm, thì bảo hiểm nhân thọ liệu có trở thành gánh nặng?
Khi đó, bảo hiểm liên kết là một lựa chọn có thể đáp ứng cả 2 nhu cầu Tấm khiên (bảo vệ), lẫn Lưỡi liềm (đầu tư – thu hoạch).
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng trên thế giới đã có từ hơn một thế kỷ qua nhưng phát triển nhanh ở Việt Nam và châu Á. Kênh này chiếm khoảng 35% trong phân phối bảo hiểm của công ty bảo hiểm còn 65% phân phối qua các kênh khác. Ở Việt Nam tăng khá nhanh, cuối 2022, bảo hiểm liên kết chiếm 33%, đã gần tiếp cận với quốc tế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác này sẽ tận dụng mạng lưới của nhau, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kiến thức của nhân viên ngân hàng. Đây là xu thế tương lai và chúng ta cần coi là bình thường.
Tuy nhiên, dù sản phẩm liên kết đầu tư đã được triển khai 11 năm qua tại Việt Nam nhưng không phải khách hàng nào cũng hiểu rằng, sản phẩm này chứa một tỉ lệ rủi ro nhất định vì Công ty bảo hiểm cũng đi đầu tư.
Tấm khiên và lưỡi liềm vừa bảo vệ người mua bảo hiểm vừa có khả năng sinh lời. Nhưng bảo hiểm liên kết thời gian qua gặp khó khi về khách quan, thị trường tài chính, chứng khoán đã biến động khó khăn. Lớn thuyền thì cả sóng, biên độ lợi nhuận cao của bảo hiểm liên kết đầu tư tới từ nguyên lý “cùng đầu tư” giữa khách hàng – công ty bảo hiểm và ngân hàng. Đơn giản có thể hiểu, “sức khỏe” một hợp đồng của mỗi cá nhân gắn liền với “sức khỏe” cả một nền kinh tế quốc gia.
Nhiều khách hàng sở hữu gói bảo hiểm liên kết đầu tư nhưng chưa nắm rõ đặc thù này, đôi khi mua vì bị thuyết phục bởi gói lợi nhuận từ sản phẩm. Trong khi về chủ quan, chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm liên kết chưa tốt, thường chịu sức ép về doanh thu.
Không phải nhân viên tư vấn nào cũng có khả năng thuyết phục người mua bảo hiểm rằng, vượt qua sóng gió khó khăn, tiếp tục duy trì kế hoạch đầu tư tích lũy, khi kinh tế khôi phục, khách hàng vẫn được đảm bảo đầy đủ lợi nhuận tích lũy. Khi khách hàng quyết định dừng một gói bảo hiểm, dù là bảo hiểm liên kết hay bảo hiểm nhân thọ truyền thống, là do tiếng nói bên trong, vấn đề bên trong khách hàng đưa ra quyết định. Người mua bảo hiểm hoàn toàn được tôn trọng và bảo vệ, vào cả thời điểm quyết định mua hay kết thúc một gói bảo hiểm.
Cuối cùng của câu chuyện đầu tư liên kết hay bảo hiểm đơn thuần, tiếp tục mua hay ngưng giữa chừng, thì người mua bảo hiểm luôn cần xác định mục đích của chúng ta là gì? Chúng ta mua bảo hiểm vì mục đích gì? Vì phòng ngừa rủi ro, hay tích lũy cho con sau này hay đầu tư sinh lời?
Trên cơ sở tư duy rạch ròi như vậy, những gói bảo hiểm không phải là gánh nặng (từ đầu không ai mua bảo hiểm để trở thành gánh nặng), mà là người đồng hành vì sự an toàn. Cái đích đến của người mua bảo hiểm không nên chỉ là lợi nhuận, bởi lợi nhuận chính là sự yên tâm (và khi rủi ro thì có khoản tài chính lớn làm chỗ dựa). Khó khăn nhất thời, không nên đánh đổi bằng buông tay.
Tất nhiên, nếu khó khăn đến mức buộc phải buông tay, thì pháp luật luôn bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Năm 1979, Hutton Life đã giới thiệu một loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) mới với tên gọi BHNT liên kết chung (Universal Life – UL). Đây được cho là bước khởi đầu của sản phẩm bảo hiểm mới – bảo hiểm liên kết đầu tư.
Theo đó, ngoài bảo hiểm nhân thọ thông thường, loại hình bảo hiểm liên kết có thêm phương án tích lũy mang tính đầu tư cho người tham gia thông qua các hoạt động đầu tư tại các quỹ đầu tư liên kết của doanh nghiệp bảo hiểm dưới hai hình thức: Bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị và Bảo hiểm đầu tư liên kết chung.
Tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được chính thức triển khai từ năm 2012 với sự điều chỉnh của Thông tư 135/2012/TT-BTC và sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được cấp phép vào năm 2016 dưới sự điều chỉnh của Thông tư 52/2016/TT-BTC.
Cơ sở luật pháp người mua bảo hiểm cần quan tâm:
Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
1. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;
3. Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
4. Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này.
Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm như sau: Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm
1. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này thì thực hiện như sau:
a) Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm;
b) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
c) Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
3. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của Luật này, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
4. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật này, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.