Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện việc thực hiện thâm canh trong nông nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất trồng. Trong bốn thập kỷ qua, gần một phần ba đất nông nghiệp trên thế giới đã biến mất.
Các chuyên gia cho biết, vẫn đề sẽ ngày càng tồi tệ nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ. Những phương pháp canh tác hiện nay đang có những tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực trong tương lai.
Ảnh minh họa.
"Tỷ lệ xói mòn đất do cày cấy lớn hơn trung bình từ 10-100 lần so với tỷ lệ hình thành đất và gần 33% diện tích đất trồng của thế giới đã biến mất do xói mòn hoặc ô nhiễm trong 40 năm qua", Ducan Cameron, nhà sinh vật thực vật và đất đia thuộc trường Đại học Sheffield ở Anh cho biết. "Đó thực sự là một thảm họa khi bạn biết rằng, phải mất đến khoảng 500 năm để hình thành 2,5cm lớp đất mặt trong điều kiện nông nghiệp bình thường".
Trong một bản báo cáo mới được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, hệ thống nông nghiệp thâm canh hiện nay là không bền vững. Việc lạm dụng phân bón đang làm suy giảm chất lượng đất trồng toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu, giải pháp tạm thời có thể là quay trở lại với các phương pháp nông nghiệp cũ, trước khi có sự ra đời của các hệ thống phân bón hiện đại.
"Chúng ta cần phải dừng canh tác trên đất trong một thời gian dài để đất có thể khôi phục lại và trở nên ổn định. Chúng ta đã có rất nhiều đất đai đang được trồng cỏ để sử dụng cho các nghành công nghiệp thịt và sữa", nhà nghiên cứu Cameron nói. "Thay vì chuyên biệt hóa các loại đất này, chúng ta cần phải đưa nó vào vòng xoay cho các cây trồng khác, giúp cho các vùng đất sản xuất nông nghiệp được nghỉ ngơi một thời gian", Cameron nói.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ sinh học có thể giúp cây trồng thoát khỏi hóa chất phân bón, tạo cơ hội khôi phục lại sự cộng sinh với vi khuẩn đất. Đại tụ lai toàn bộ hệ thống nông nghiệp là không đơn giản, nhưng theo các nhà nghiên cứu, hiện không còn cách nào khac.
Đăng Nguyễn