Một thống kê thú vị cho thấy rằng nếu như bạn sống thọ đến 90 tuổi thì bạn đã dành mất 25 năm cuộc đời mình chỉ để ngủ.
Với những người có công việc bận rộn họ đều mong muốn dành ít thời gian ngủ hơn để tập trung tối đa cho sự nghiệp của mình.
Nhưng, không giống như ăn uống, con người có thể nhịn ăn đến một tháng và nhịn uống đến một tuần. Còn nhịn ngủ lại không đơn giản đến vậy.
Erin Hanlon, một nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, nói, “Nhịn ngủ là một điều khó khăn, giấc ngủ được quyết định bởi não bộ, bởi vậy nó sẽ không giống như việc chỉ réo lên giống như dạ dày khi đói. Bộ não sẽ tự động đưa bạn chìm vào giấc ngủ cho dù bạn có cố gắng đẩy lùi giấc ngủ như thế nào đi nữa.”
Những nghiên cứu về giấc ngủ cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên từ trước đến nay nhiều nhà khoa học vẫn đồng tình rằng, ngủ là một hoạt động nghỉ ngơi của não bộ để khởi động lại cơ thể.
Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ thường xuyên và đủ giấc giúp chữa lành các căn bệnh, nâng cao hệ thống miễn dịch, giúp trao đổi chất hợp lý và nhiều lợi ích khác nữa. Đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta cảm thấy khoẻ khoắn sau một giấc ngủ sâu.
Ngược lại nếu thiếu ngủ thì sẽ dẫn tới bạn có nguy cơ bị tiểu đường, các bệnh tim mạch, béo phì, trầm cảm và các chứng bệnh khác. Ngoài ra chúng ta còn có những cảm giác rất khó chịu như thiếu năng lượng, cảm thấy choáng váng, thiếu tỉnh táo và về lâu dài có ảnh hưởng đến trí nhớ.
Nếu thức liên tục nhiều ngày, trí não bắt đầu mất thăng bằng và sinh ra những hoang tưởng ảo giác, thậm chí có thể dẫn đến điên khùng.
Các tài xế xe tải đường dài thường hoảng hồn kể lại đã nhìn thấy những bóng đen kì quái bên đường, điều đó đã được các nhà khoa học kết luận chính là do thiếu ngủ sinh ra.
Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy sự suy sụp của cơ thể nếu như bị mất ngủ. Các hormones gây căng thẳng như adrenaline và cortisol tăng nhanh trong máu và làm cho huyết áp gia tăng.
Trong khi đó, nhịp tim trở nên rối loạn và hệ miễn dịch trở nên yếu ớt , những người thiếu ngủ thường thấy yếu ớt, chân tay run, đổ mồ hôi và dễ mắc bệnh.
“Những tổn thương gây ra bởi việc thiếu ngủ sẽ không thể nào phục hồi được,” Jerome Siegel, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ của Đại học California, Los Angeles, cho biết.
Ai cũng biết là giấc ngủ rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với nhiều người đó lại là một điều xa xỉ do căn bệnh mất ngủ kinh niên của mình.
Một căn bệnh do gien gây ra hiếm gặp gọi là chứng mất ngủ FFI và chỉ có 40 gia đình trên toàn thế giới có gien gây ra FFI trong hệ di truyền của họ.
Gien khiếm khuyết này khiến cho các protein trong hệ thần kinh biến thành các ‘prion’ và bị mất đi chức năng thông thường của chúng.
Bệnh nhân mắc chứng FFI sẽ hoạt động liên tục không nghỉ ngơi và phát sinh những triệu chứng kỳ quặc như đồng tử co nhỏ và mồ hôi tuôn liên tục
Sau một thời gian, bệnh nhân FFI rơi vào trạng thái mê sảng và mộng du, họ sẽ bị giảm cân, mất trí nhớ và cuối cùng là tử vong.
Nhưng cũng có một số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng mất ngủ không thể dẫn đến tử vong, bởi thuở xưa những quản giáo thường tra tấn tù nhân bằng cách khiến cho họ không thể ngủ, mặc dù vậy không có trường hợp nào đã chết dù họ rất đau khổ.
Các thí nghiệm làm mất giấc ngủ ở động vật cũng đã cho thấy bằng chứng rằng việc mất ngủ tự thân nó không dẫn đến tử vong.
Giáo sư Allan Rechtschaffen tại Đại học Chicago vào những năm 1980 đã thử nghiệm bằng cách liên tục đánh thức những con chuột mỗi khi sóng não chúng cho thấy đang chìm vào giấc ngủ.
Tất cả các con chuột được thí nghiệm đều chết sau một tháng nhưng Giáo sư Siegel cho rằng không phải do chúng thiếu ngủ mà rất có thể đó là áp lực liên tục bị đánh thức đã khiến chúng không chịu nổi mà chết.
Cho đến nay, những nhận định về việc cố đi ngược lại giấc ngủ liệu có khả thi hay không vẫn đang đặt ra nhiều tranh luận.
Kết luận nhận được nhiều đồng tình nhất cho rằng bản thân giấc ngủ được điều khiển bởi não bộ nên việc từ chối cơ quan thần kinh trung ương là điều không thể, tuy nhiên chúng ta có thể chia nhỏ giấc ngủ ra thành nhiều đợt trong ngày để có thể tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm được sức khỏe.
Kỷ lục được biết đến về một người không ngủ nhiều nhất là Randy Gardner 17 tuổi ở San Diego, California. Trong một dự án tình nguyện năm 1964, Gardner đã không ngủ liên tục 264 giờ, tức là hơn 11 ngày.
Mạnh Kiên