Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức vào ngày 1/1 đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng sau nhiều năm gia tăng dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, người đã làm giảm các nỗ lực bảo vệ môi trường ở Amazon.
Marcio Astrini - lãnh đạo tổ chức môi trường địa phương Climate Observatory, cho biết: “Số liệu về nạn phá rừng gia tăng cho thấy rằng rừng Amazon vẫn còn thiếu hụt quản lý nghiêm trọng và chính phủ mới cần phải hành động ngay lập tức để xây dựng lại khả năng trấn áp tội phạm môi trường vốn đã bị chính phủ trước phá hủy hoàn toàn”.
Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Inpe cho thấy 356 km2 đã bị xóa xổ khỏi Amazon chỉ trong tháng 2.
Các số liệu mới nhất vẽ ra một bức tranh tổng hợp về công tác phòng chống nạn phá rừng của chính phủ cho đến nay với diện tích phá rừng từ tháng 1 đến tháng 3 giảm xuống còn 845 km2, giảm 11% so với năm trước.
Brazil chính thức đo lường nạn phá rừng hàng năm từ tháng 7 đến tháng 8, nhằm hạn chế ảnh hưởng của mây che khuất hình ảnh vệ tinh trong những tháng mưa. Trong 8 tháng đầu tiên từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, nạn phá rừng đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chỉ còn 4 tháng nữa để chốt số liệu cuối cùng về nạn phá rừng. Điều này có nghĩa là việc giảm tỷ lệ phá rừng ở Amazon vào năm 2023 là khó xảy ra. Trên thực tế, nó có nhiều khả năng sẽ tăng lên", Astrini nói.
Vào cuối tháng 2 tại thủ đô Brasilia, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry nói rằng thế giới không thể đạt được mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu không bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.
Vào đầu năm nay, Washington đã thông báo dự định đóng góp cho Quỹ Amazon của Brazil, hỗ trợ các dự án bảo tồn khu vực rừng rậm.
Vào tháng trước, Na Uy cũng đã cam kết hỗ trợ cho những nỗ lực của Brazil nhằm thu hút thêm các quốc gia tài trợ cho Quỹ Amazon.