Đây là năm thứ 18 hoạt động này được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi lĩnh vực khoa học công nghệ của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Theo đó, sự kiện thứ nhất, ở lĩnh vực cơ chế chính sách là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam. Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-/NQTW "về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".
Nghị quyết số 45 đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển.
Sự kiện thứ hai là việc chính thức bàn giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Đây là Khu Công nghệ cao đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998. Trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 111.500 tỷ đồng...
Sự kiện thứ ba thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của khu vực Đông Nam Á với chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại nổi tiếng trên thế giới. Hệ thống hiện có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ bao gồm Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia.
Sự kiện thứ tư về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là việc phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Cuối tháng 11/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam) đã công bố "Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ". Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Sự kiện thứ 5 ở lĩnh vực khoa học ứng dụng. Đó là việc làm chủ công nghệ sơn phản xạ nhiệt dùng vật liệu nano tự sản xuất trong nước. Tiếp thu và kế thừa những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, trong năm 2023, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phát triển thành công công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời.
Hiện tại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano và ứng dụng chúng trong chế tạo sơn phản xạ nhiệt mặt trời hiệu quả cao. Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời do Viện chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...).
Sự kiện thứ 6 là các ca ghép tạng giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về ghép tạng ở châu Á
Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận. Một ca ghép thành công khác, ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt, khi "quả tim" của người hiến từ Thành phố Hồ Chí Minh ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.
Sự kiện thứ 7 là việc phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Theo đó, công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021. Trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến tháng 9/2023, VKIST đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Công nghệ được tích hợp hệ thống keo tụ, lắng kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO và cuối cùng là khử khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, hệ thống được thiết kế thông minh, chế độ vận hành tự động, dễ sử dụng. Hệ thống xử lý nước phèn, nước lợ thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế QCVN 01-2009/BYT, với công suất 12 khối/ngày đêm.
Ở sự kiện thứ 8, Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới
Tháng 11/2023, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Viettel) công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực.
Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023 Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2/2023. Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.
Trong lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học, sự kiện thứ 9 vinh danh 5 nhà khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023. Website Research.com- Cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, đã công bố xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới 2023. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); Tiến sỹ Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), Tiến sỹ Thái Hoàng Chiến (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), Tiến sỹ Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, xếp hạng 762) và Tiến sỹ Hoàng Nhật Đức (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Lĩnh vực hội nhập quốc tế đóng góp sự kiện thứ 10 với việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Ngày 28/10, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Việc khánh thành và đưa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc đi vào hoạt động chính là nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm đưa trung tâm này trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hiện tại, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng các đối tác nước ngoài và trong nước đang tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam; trong đó tập trung vào các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.