Việc bị mắc kẹt ở nhà do dịch nCoV cũng thay đổi cách người dân Trung Quốc sử dụng công nghệ. Các công ty công nghệ đã buộc phải sáng tạo các cách thức cung cấp dịch vụ của họ tới khách hàng, còn mọi người chỉ còn biết dựa vào công nghệ để phần nào đó bắt kịp nhịp sống thường ngày.
Giao đồ ăn mà không cần gặp mặt người vận chuyển
Với những người bị mắc kẹt tại nhà và tủ lạnh dần cạn kiệt đồ ăn, thì những người giao đồ ăn chính là cứu tinh của họ. Tuy nhiên, người giao đồ cũng vẫn phải bảo vệ sức khỏe của bản thân nếu tiếp xúc với những khách hàng bị nhiễm bệnh.
Ứng dụng giao đồ ăn Meituan cung cấp dịch vụ giao đồ giấu mặt. |
Meituan là một trong những doanh nghiệp đầu tiên giới thiệu dịch vụ giao thức ăn không cần tiếp xúc, có nghĩa là các nhân viên giao đồ sẽ để thức ăn tại một địa điểm được chỉ định để khách hàng tới nhận. Công ty cũng lắp đặt các chạn đựng đồ ăn xung quanh bệnh viện cho nhân viên y tế Vũ Hán.
Tuần trước, các hãng thức ăn nhanh như KFC và Pizza Hut đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự. Một số công ty thương mại điện tử cũng sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng không tiếp xúc để tránh lây nhiễm, theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Các lớp học trực tuyến
Giới chức Trung Quốc đã gia hạn kỳ nghỉ Tết trên toàn quốc, buộc các trường học tiếp tục đóng cửa, buộc nhà trường phải nghĩ ra phương án dạy học trực tuyến để bù đắp kiến thức cho học sinh. Trang web video Youku đã bắt đầu cung cấp các lớp học trực tuyến cho học sinh tiểu học và trung học Trung Quốc.
Các công ty giáo dục trực tuyến khác cũng đã cung cấp các lớp học miễn phí trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bao gồm New Oriental - công ty giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc và nền tảng học tiếng Anh VIPKid.
Ngoài các lớp học trực tuyến cho học sinh và sinh viên, một số người đã đăng ký khóa tập thể dục trên nền tảng video như Douyin để giữ dáng do không thể ra ngoài đường.
Sự lên ngôi của các nền tảng phim trực tuyến
Dịch bệnh nCoV đã tàn phá nghiêm trọng thị trường điện ảnh Trung Quốc khi người dân không dám tới các rạp chiếu để xem phim. Các nền tảng video trực tuyến đã tận dụng dịp này để mua bản quyền các bộ phim Tết để phục vụ khán giả tại nhà.
Cụ thể, công ty ByteDance đã đạt được thỏa thuận trình chiếu bộ phim hài đình đám Lost in Russia trên các nền tảng video của mình, bao gồm cả Douyin. Nhà sản xuất Huanxi Media cũng đang chiếu tác phẩm này trên nền tảng riêng của mình.
Bộ phim Lost in Russia được trình chiếu trên nền tảng Douyin |
Một bộ phim khác cũng bỏ qua các cụm rạp chiếu là Enter the Fat Dragon, được phát trực tuyến trên các nền tảng video của Baidu, iQiyi và Tencent Video.
Các nền tảng video đang được sử dụng nhiều hơn là công cụ để giải trí và "giết thời gian" trong thời buổi bị hạn chế ra đường. Cư dân Vũ Hán đã tận dụng các nền tảng video như Douyin và Kuaishou để chia sẻ những tin tức mới nhất về tình hình dịch bệnh hoặc cuộc sống của họ tại thành phố vốn đang bị phong tỏa.
Mua nhà qua công nghệ VR
Việc xem nhà qua công nghệ VR (thực tế ảo) đã xuất hiện được một thời gian tại Trung Quốc, nhưng với tình trạng dịch bệnh níu chân các khách hàng trong nhà, một số doanh nghiệp bất động sản đang coi công nghệ VR như cứu cánh cho thị trường. Trang web rao vặt lớn nhất Trung Quốc 58.com và nền tảng bất động sản Anjuke đã cung cấp dịch vụ VR và phát trực tiếp trong thời gian giới hạn để cho phép người mua chọn nhà mà không cần đến thăm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để quyết định mua một căn nhà nếu chỉ dựa qua các hình ảnh VR, đặc biệt là khi không thể tận mắt ngắm nghía các chi tiết qua cái nhìn thực tế.
Ngoài bất động sản, nhiều dịch vụ khác cũng phải chuyển sang nền tảng trực tuyến, bao gồm các cuộc hẹn thăm khám với bác sĩ. Người dân Trung Quốc có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ thông qua nền tảng xã hội WeChat hoặc thông qua một nền tảng tư vấn y tế được thiết lập bởi Baidu và Hiệp hội Y khoa Bắc Kinh.
Sự lên ngôi của các trò chơi trực tuyến
Phần lớn các thanh thiếu niên khi bị hạn chế ở trong nhà sẽ chỉ còn cách vùi đầu vào chơi game. Máy chủ của tựa trò chơi Game for Peace (một phiên bản khác của PUBG Mobile) đã ghi nhận số lượng người chơi đột biến trong khoảng thời gian đầu năm 2020.
Trong khi ngành công nghiệp game đã được hưởng lợi từ sự bùng phát của nCoV, các nhà sản xuất game và chính các "game thủ" đã đứng ra tổ chức nhiều khoản quyên góp để giúp ngăn chặn tác động của dịch bệnh. Các công ty công nghệ địa phương đã cam kết chi hàng triệu nhân dân tệ và quyên góp vật tư y tế và thậm chí cung cấp công nghệ AI và thuật toán nghiên cứu bộ gen để giúp các nhà khoa học nhanh chóng phát triển vaccine điều trị nCoV.