Công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thách thức trong và ngoài nước. Các nhà chức trách Trung Quốc đang điều tra công ty bán lẻ trực tuyến với lý do chống độc quyền, đồng thời thúc đẩy "chi nhánh" tài chính của mình là Ant Group đại tu hoạt động kinh doanh.
Ở bên ngoài, chính phủ Mỹ vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ đề xuất cấm đầu tư vào Alibaba và hai công ty công nghệ nổi tiếng khác của Trung Quốc, căng thẳng Mỹ-Trung có khả năng sẽ không sớm biến mất dù Nhà Trắng có đổi chủ.
Và giữa những bộn bề đó, người sáng lập Alibaba - tỷ phú Jack Ma, đã "bốc hơi" khỏi truyền thông kể từ tháng 10 năm ngoái sau phát biểu thách thức chính quyền.
“Alibaba, giống như tất cả các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc, đang ở trong mộtcuộc khủng hoảng sống còn” Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại quỹ Hinrich, nhận định.
Căng thẳng ngay trong quê nhà
Chuyên gia Alex Capri chỉ ra rằng tại quê nhà Trung Quốc, các ông lớn công nghệ như Alibaba không còn cảm thấy "dễ thở" như những năm trước, khi chính quyền Bắc Kinh đang muốn kiểm soát các công ty hàng đầu của mình.
Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi các nỗ lực chống độc quyền đối với các nền tảng trực tuyến là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cho năm 2021.
Cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba và các công ty khác đã nhấn mạnh ưu tiên đó. Hôm thứ Năm, một công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc là VIP Shop cũng xác nhận rằng họ cũng đang bị cơ quan chức năng điều tra vì "cáo buộc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh".
Một đối thủ cạnh tranh thương mại điện tử của Alibaba là Pinduoduo cũng đã bị cuốn vào một cơn bão dư luận về văn hóa làm việc của họ, cho thấy rằng chính phủ sẵn sàng gây ra những lời chỉ trích rộng rãi hơn đối với ngành này.
Mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các công ty công nghệ tư nhân của chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ còn vượt xa các cuộc điều tra ban đầu.
Ông Capri chỉ ra rằng một số công ty công nghệ đã buộc phải hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước - như trường hợp Alipay của Ant Group hợp tác với UnionPay của nhà nước vào năm 2018 để phát triển công nghệ mới.
“Thời gian tới sẽ chứng kiến xu hướng này tăng tốc. Quyền truy cập và kiểm soát dữ liệu và các nền tảng kỹ thuật số là chìa khóa. Do đó, Alibaba có khả năng bị chia nhỏ hoặc dần bị quốc hữu hóa", ông Capri dự đoán.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Alibaba chủ yếu ở Trung Quốc, nhưng bất kỳ thay đổi lớn nào đối với hoạt động của công ty này đều có thể gây ảnh hưởng toàn cầu. Alibaba đã giao dịch trên Phố Wall từ năm 2014 khi nắm giữ kỷ lục IPO lớn nhất thế giới. Công ty SoftBank của Nhật Bản là một cổ đông lớn của Alibaba.
Áp lực ở nước ngoài
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh chắc chắn sẽ không dồn ép quá mức các công ty nội địa bởi Mỹ đã và đang trừng phạt các công ty của Trung Quốc. Mới đây, chính quyền Trump đã ra lệnh cấm vận đối với hãng sản xuất điện thoại Xiaomi.
Sàn giao dịch chứng khoán New York đã ngừng giao dịch trong một nhóm các công ty Trung Quốc trong tuần này để tuân thủ lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp được cho là có liên kết hoặc hỗ trợ quân đội Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump gần đây đã ký ban hành luật có thể buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.
Chính quyền Trump được cho là đã xem xét việc cấm người Mỹ đầu tư vào Alibaba và các công ty công nghệ khác, khiến cổ phiếu của công ty này giảm vào tuần trước.
Rana Mitter, giáo sư lịch sử và chính trị của Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, cho biết: “Bắc Kinh sẽ không muốn xóa sổ một trong những nhà vô địch lớn nhất của họ trước sự chứng kiến của chính quyền mới ở Washington”.
Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của công ty Kaiyuan Capital, đặt nghi vấn: “Liệu năm 2021 có tử tế hơn với Alibaba hay không có thể phụ thuộc vào bản chất và thời gian mất tích của Jack Ma".