Hoạt động kinh doanh ảm đạm
Ngày 22/7/2024, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã chứng khoán QCG) ban hành văn bản số 22.7/QĐ-HĐQT về việc bổ sung nội dung họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty. Theo đó, trình đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Như Loan và đề cử bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường làm thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Nguyễn Quốc Cường đồng thời sẽ là người đại diện pháp luật mới của công ty, chức danh Tổng Giám đốc, thay thế vị trí của Nguyễn Thị Như Loan vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/7 vừa qua.
Theo báo cáo quản trị của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tại thời điểm cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Như Loan nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tỷ lệ 37% vốn điều lệ công ty, bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG, tỷ lệ 14,3% vốn điều lệ công ty, còn ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) chỉ nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Ông Nguyễn Quốc Cường (được biết đến với tên gọi Cường “đô la”) từng có thời gian giữ chức Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai từ năm 2007 – 2018. Đến tháng 11/2018, ông Cường từ nhiệm tất cả các vị trí tại Quốc Cường Gia Lai, sau đó thành lập Công ty Cổ phần C-Holdings, phát triển các dự án bất động sản tại Bình Dương.
Tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai trước thời điểm bà Loan bị bắt khá ảm đạm, lợi nhuận giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 70 tỷ đồng, đến năm 2022 lợi nhuận giảm xuống hơn một nửa, còn hơn 31 tỷ đồng và năm 2023 lợi nhuận sau thuế chỉ còn khoảng 3,2 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai được thành lập vào năm 2007, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường hoạt động từ năm 1994. Hiện nay, doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh chính ở các lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.
Theo báo cáo tài chính Quý I của Quốc Cường Gia Lai, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp gần 4.355 tỷ đồng nhưng khoản nợ phải trả lên đến 5.161 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.903 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, chỉ có 257,7 tỷ đồng là nợ dài hạn. Tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận 9.515 tỷ đồng, nhưng chỉ có 29,6 tỷ đồng tiền mặt, còn lại hàng tồn kho chiếm đến 7.033 tỷ đồng, trong đó hơn 6.991 tỷ đồng là hàng tồn kho bất động sản. Doanh thu Quý I đạt khoảng 38,7 tỷ đồng, doanh thu từ bất động sản chỉ đạt gần 6,6 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu niêm yết của Quốc Cường Gia Lai trên sàn chứng khoán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi thông tin bà Loan bị bắt được công bố, giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai sụt giảm mạnh. Ngày 16/7, giá cổ phiếu QCG đóng cửa ở mức 11.000 đồng, nhưng đến ngày 24/7 đã giảm còn 7.310 đồng, khối lượng giao dịch thời gian gần đây cũng khá ảm đạm.
Tình hình kinh doanh bất động sản ảm đạm khiến Quốc Cường Gia Lai trong vài năm qua đã giải thể, chuyển nhượng nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động về lĩnh vực bất động sản. Hiện tại, Quốc Cường Gia Lai chỉ còn nắm giữ 3 công ty con và 2 công ty liên kết.
Tình hình kinh doanh bất động sản ảm đạm thời gian qua khiến Quốc Cường Gia Lai đã giải thể, chuyển nhượng nhiều doanh nghiệp bất động sản liên quan. |
Lùm xùm liên quan đến đất công
Trước thời điểm ông Nguyễn Quốc Cường rời khỏi Quốc Cường Gia Lai vào năm 2018 cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vướng phải nhiều lùm xùm về các dự án bất động sản liên quan đến thâu tóm đất công.
Cụ thể, ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai) do liên quan đến sai phạm tại dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn (Quận 4, TP.HCM).
Được biết, khu đất 39 – 39B Bến Vân Đồn có diện tích 6.202 m2 trước đây thuộc sở hữu của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa (là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Sau đó, 2 doanh nghiệp Nhà nước này đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín để thực hiện dự án chung cư thương mại tại khu đất trên.
Năm 2014, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín mua đứt toàn bộ vốn của Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá hơn 464 tỷ đồng. Chỉ vài tháng sau khi thâu tóm thành công Công ty Phú Việt Tín cùng dự án nói trên, Công ty Quốc Cường Gia Lai lập tức bán lại cho một số doanh nghiệp khác, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài dự án này, Quốc Cường Gia Lai còn vướng vào tai tiếng liên quan đến Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) chuyển nhượng đất công giá rẻ tại khu đất 32,4 ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Trước đó, vào giữa năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có văn bản cho Công ty Tân Thuận (doanh nghiệp Nhà nước) đề nghị hợp tác đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng toàn bộ khu đất 32,4 ha.
Đến tháng 7/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2. Công ty Quốc Cường Gia Lai đã chuyển cho Công ty Tân Thuận 374 tỷ đồng và đóng thuế 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, Thành ủy TP.HCM yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng và hợp đồng bị hủy bỏ vào năm 2018, Công ty Tân Thuận cũng đã trả lại toàn bộ 374 tỷ đồng kèm tiền lãi cho Quốc Cường Gia Lai. Vụ việc này được xác định gây thất thoát của Nhà nước gần 168 tỷ đồng.
Cùng ở xã Phước Kiển, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng thực hiện một “siêu dự án” tại khu đất có tổng diện tích 91,6 ha. Đây là dự án đáng chủ ý nhất của Quốc Cường Gia Lai về lĩnh vực bất động sản, nhưng đồng thời cũng dính phải nhiều lùm xùm kiện cáo suốt nhiều năm.
Đầu năm 2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng mua bán liên quan đến dự án này cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island với giá 4.800 tỷ đồng. Phía Sunny phải thanh toán toàn bộ số tiền này cho Quốc Cường Gia Lai theo tiến độ quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, Sunny chỉ giải ngân được 2.882 tỷ đồng thì dừng lại khiến 2 bên xảy ra mâu thuẫn và phải thông qua cuộc chiến pháp lý tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) từ năm 2020 để giải quyết tranh chấp.
Đến nay, Quốc Cường Gia Lai được tuyên thắng kiện, trả lại 2.882 tỷ đồng cho Sunny và nhận lại phần đất đã chuyển nhượng. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện dự án khi khu đất có 8 – 9 ha là đất kênh rạch xen cài (đất công), việc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng còn vài % chưa thực hiện xong, trong khi theo quy định mới nếu chưa đạt 100% đất sạch thì không đủ điều kiện thực hiện dự án.