TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: Đặt ra những vấn đề thiết thực, hữu ích
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” đặt ra những vấn đề thiết thực, hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang quan tâm và quyết tâm xây dựng các ngành công nghiệp văn hoá.
Tham dự hội nghị là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác nhau đem đến sự kiện những bài tham luận bổ ích với nhiều trải nghiệm thực tế. Hội nghị chứng tỏ vai trò của UNESCO nói chung và Liên hiệp các Hội UNESCO nói riêng trong xu thế phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam.
Đạo diễn Việt Tú: Cấp tiến trong tư duy về công nghiệp văn hóa
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” là một sự kiện rất có ý nghĩa do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên có một hội nghị đề cao tính thực tế với rất nhiều ý tưởng, giải pháp có thể áp dụng để tạo ra nguồn lực, sản phẩm, hệ sinh thái cho nền công nghiệp văn hoá của nước nhà. Đặc biệt, thông qua sự ra đời của Tuyên ngôn Hạ Long, sự đóng góp cho nền công nghiệp văn hóa đã được cụ thể hóa thay vì những lý luận chung chung, không có bất kỳ một đo đếm chỉ số về tính hiệu quả.
Tôi xin được trích dẫn một trong những ý chính, rất quan trọng, đã được nêu trong Hội nghị để thể hiện sự cấp tiến trong tư duy và sự mạch lạc về cách làm công nghiệp văn hóa:
“Làm công nghiệp văn hoá, có nghĩa là chúng ta cần nhìn nhận rằng văn hoá (cả truyền thống, lẫn đương đại) cần được đặt trên hệ quy chiếu thương mại, cần nhìn nhận văn hoá như một sản phẩm với những quy trình sản xuất phân phối bài bản, với chỉ số đo đếm cụ thể, có như vậy văn hóa mới phát triển thành một nền công nghiệp. Nhưng điều duy nhất chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận là “những giá trị cốt lõi của văn hoá, di sản ” bị biến tướng, chộp giật chỉ để đánh đổi lấy thành công về kinh tế khi phát triển công nghiệp văn hoá”.
PGS.TS Đỗ Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Nhiều tiếng nói về các ngành công nghiệp văn hóa
Hội nghị là một “lát cắt” nhanh về bức tranh các ngành công nghiệp văn hoá đang chuyển mình năng động nhưng cũng như không kém phần cẩn trọng của Việt Nam trong quá trình đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng, hòa vào xu thế chung của thế giới.
Một trong những thành công là hội nghị phản ánh hay hội tụ được rất nhiều “tiếng nói”, góc nhìn khác nhau, từ những nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, cho đến đại diện các nhân lực sáng tạo như văn nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức, nhà khoa học, và cả lực lượng tham gia vào sản xuất, kinh doanh văn hoá, giúp thể hiện những tranh luận, quan điểm, góc nhìn phong phú về các ngành công nghiệp văn hoá.
Điều này đã phản ánh được tính phức tạp và đa dạng của các ngành công nghiệp văn hóa (trên thế giới thường được gọi là các ngành công nghiệp sáng tạo hoặc kinh tế sáng tạo) với biên độ rộng của 12 ngành và với tính phong phú, phức tạp của nhiều thành phần, lĩnh vực, bao gồm cả hàng hoá, dịch vụ văn hoá công, tư và hỗn hợp, cũng như không chỉ gồm có các hoạt động chính thức và khu vực tư nhân, vì lợi nhuận, mà còn bao gồm cả các hoạt động không chính thức và/hoặc được tài trợ công, phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Tính chất phức tạp, đa dạng của các ngành công nghiệp văn hoá đòi hỏi cần có sự khái quát nhưng cũng rất cần sự cẩn trọng và những góc nhìn đa dạng, không có quan điểm nào là tuyệt đối đúng mà cần phải phù hợp với từng phân ngành, từng hoạt động khác nhau, để có thể phát huy được những giá trị đa chiều và nhân văn của các ngành công nghiệp văn hoá một cách hài hoà, cân bằng về: văn hoá, xã hội, kinh tế, môi trường. Đặc biệt là góc nhìn đặt các ngành công nghiệp văn hoá vào khuôn khổ của phát triển bền vững là rất đúng, rất sát với quan điểm nhân văn của UNESCO.
Nhìn chung, các tranh luận rất phong phú, đa chiều và có thể khơi gợi cho các đại biểu những vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ, bàn luận. Tuy nhiên, tôi rất ấn tượng với phát biểu của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo đó ông Minh chia sẻ: “Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương “công nghiệp hoá” và “hiện đại hoá” thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng. Nhưng khi văn hoá là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hoá khi đã đánh đổi, không thể lấy lại”. Đây là một nhận xét rất sâu sắc, thấu đáo bởi khi chú trọng đến “kinh tế văn hoá” cũng cần phải song hành với phát triển “kinh tế đạo đức”, bởi nếu không có sự thẩm thấu về các giá trị nhân văn và trách nhiệm đạo đức, chúng ta có thể phải trả giá cho các mục tiêu duy kinh tế bằng những giá trị vô giá, không thể thay thế được của văn hoá, ví dụ như: giá trị thẩm mỹ, tinh thần, giá trị xã hội, lịch sử, giá trị về môi trường, sinh thái…
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Trao đổi những kinh nghiệm quý báu để làm việc hiệu quả hơn
Hội nghị quốc tế của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là dịp để những người trực tiếp và không trực tiếp làm văn hoá trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nhằm rút ra những kinh nghiệm và bài học quý báu, qua đó tiếp tục làm việc hiệu quả hơn, đồng thời lan tỏa những ý tưởng sáng tạo.
Xuất hiện tại Hội nghị có các diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân... Tham luận của tôi tại Hội nghị mang chủ đề “Vai trò của hoà tấu Dàn nhạc giao hưởng - Dân tộc với sự phát triển Văn hoá”. Qua sự quan sát trong quá trình làm nghề và sáng tạo của cá nhân, tôi nhận thấy việc kết hợp nhạc giao hưởng với âm nhạc dân tộc đã và đang đóng góp nhiều nỗ lực vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Những giai điệu dân tộc khi được tái hiện qua nhạc giao hưởng không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn mang lại hơi thở mới, giúp chúng tồn tại và phát triển trong bối cảnh của nền công nghiệp văn hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Xu hướng kết hợp nhạc giao hưởng với âm nhạc dân tộc là một sự giao thoa thú vị và ý nghĩa, mang lại những giá trị nghệ thuật và văn hóa đặc biệt, góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc thế giới.
Tôi xin chúc mừng sự thành công của Hội nghị, tiếng vang và tầm ảnh hưởng của sự kiện này chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tốt đẹp cho chiến lược công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang xây dựng.
TS. Nguyễn Hải Hoàng, Trường Đại học Công đoàn: Cột mốc mới trong lộ trình thúc đẩy công nghiệp văn hóa
Công tác tổ chức Hội nghị đã được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tập hợp được 23 bài tham luận chất lượng từ các nhà quản lý các cấp, học giả đến từ các viện nghiên cứu, đơn vị đào tạo và các nhà thực tiễn, doanh nghiệp về văn hoá. Hệ thống và danh sách các diễn giả tham luận trực tiếp tại Hội nghị được chắt lọc từ đó đã cung cấp cho người nghe thấy được toàn cảnh cũng như sự đa diện, phong phú của tình hình phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam trong thời gian qua.
Hội nghị đã chỉ rõ Phong trào UNESCO về các ngành công nghiệp văn hoá có sức tác động, ảnh hưởng, cũng như đóng góp đến sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới nói chung và phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam nói riêng trong một thập kỷ vừa qua. Khẳng định vị thế, vai trò và giá trị tăng thêm mà ngành công nghiệp văn hoá tạo ra không thua kém với các ngành công nghiệp khác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tạo lập sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Không những thế, khi bàn luận về những nội dung cụ thể trong quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam, thông qua tham luận và sự trình bày của các diễn giả đã chỉ rõ những cơ hội, thách thức và đề xuất những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.
Tôi tin tưởng những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị sẽ là cột mốc mới trong lộ trình thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trên nền tảng diễn xướng của UNESCO, đánh dấu sự đồng hành của Phong trào UNESCO đối với sự phát triển của văn hoá, khoa học và giáo dục tại Việt Nam.