Đa dạng hóa mô hình đào tạo, giảm áp lực thi vào lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Những ngày tháng 6 này, hơn một triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở phải trải qua cuộc thử thách mà nhiều phụ huynh đánh giá là “khốc liệt nhất trong đời” – thi tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông. Tại một số địa phương cuộc thi vào lớp 10 còn gay go hơn kỳ thi đại học, tỷ lệ “chọi” vào những trường “hot” còn cao hơn so với những trường đại học tốp trên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thi tuyển hay xét tuyển?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT (ngày 18/4/2014) về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao quyền chủ động trong việc tổ chức thi, xét tuyển hay là kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển đặc điểm của địa phương. Các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố để phê duyệt kế hoạch cũng như quyết định môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi…

Năm nay, các địa phương chọn thi 3 môn, thay cho 4 môn, trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Các chuyên gia cho rằng việc bớt một môn thi là nhằm giảm tải cho thí sinh và không ảnh hưởng đến việc đánh giá trình độ, phân luồng học sinh.

Xét tuyển vào lớp 10, thay cho thi tuyển, cũng là một cách giảm tải áp lực cực kỳ hiệu quả cho học sinh trong mùa thi cử. Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT quy định: Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức là xét tuyển (dựa trên kết quả học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh); thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Dù được tự quyết thì tuyệt đại đa số các địa phương vẫn chọn hình thức thi tuyển. Chỉ riêng Vĩnh Long và Đồng Tháp bỏ thi tuyển lớp 10 với kỳ vọng giảm áp lực cho học sinh và cắt giảm tốn kém.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo ở những địa phương khác lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng xét tuyển vào lớp 10 sẽ dẫn đến tình trạng các trường chạy theo thành tích, giáo viên “làm đẹp” học bạ của học sinh vì “thương các em” và cũng vì lợi ích của chính mình. Trường nào, giáo viên nào nghiêm túc thì bảng điểm không “lung linh” như các đánh giá của các trường, giáo viên “rộng lượng”.

Về mặt lý thuyết, nhà trường, giáo viên phải trung thực và đánh giá trình độ của học sinh một cách khách quan. Tuy nhiên, trên thực tế thì các trường phải lo về “danh tiếng” và tỉ lệ đỗ của học sinh trường mình trước rồi mới nghĩ đến những điều khác. Như vậy, mục đích tạo cơ hội công bằng cho các học sinh trước ngưỡng cửa trung học phổ thông không đạt được. Do đó, dù thi tuyển là hình thức tốn kém và nhiều áp lực nhưng các địa phương vẫn phải áp dụng.

Hà Nội năm nay có gần 130.000 học sinh dự thi vào lớp 10 nhưng sẽ chỉ hơn một nửa số em đạt nguyện vọng vào trường công lập. Việc phân loại, phân luồng học sinh trong điều kiện này rất khó khăn nếu dựa vào xét tuyển – đánh giá theo định lượng bao giờ cũng dễ hơn theo định tính.

Đó là chưa kể tâm lý của học sinh – không thi thì lười học. Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 2008 – 2015 đã từng thử nghiệm xét tuyển vào lớp 10 công lập ở một số huyện ngoại thành. Tuy nhiên, do học sinh biết trước không phải thi nên học hành chểnh mảng, đầu vào của các trường trung học phổ thông quá thấp. Bởi vậy, từ năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển trở lại.

Thí sinh bị áp lực do tâm lý phụ huynh

Cơ sở vật chất không theo kịp số lượng học sinh cũng như theo quy định phân luồng thí sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chỉ 70% số em sẽ đỗ trường công lập), do đó kỳ thi tuyển vào lớp 10 mỗi năm một thêm căng thẳng. Mà cam go nhất là tại Thủ đô.

Năm nay, tại Hà Nội, chỉ tiêu tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập là khoảng 72 nghìn học sinh, chiếm 55,7%. Hơn 50 nghìn em còn lại sẽ vào các trường trung học phổ thông dân lập và tư thục, chiếm 23,2%. Số em sẽ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chiếm 7,7%, vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm 13,4%.

Tâm lý chung của các bậc làm cha, làm mẹ là hướng con mình vào các trường công lập và thuộc tốp càng cao càng tốt. Ở lứa tuổi 15, các em học sinh chịu ảnh hưởng lớn từ sự áp đặt của cha, mẹ. Nhiều phụ huynh coi việc không vào được lớp 10 công lập là sự “chấm hết” - thi đại học nếu không đỗ trường cao sẽ vào trường thấp, còn trượt cấp III là “mọi cánh cửa đều đóng lại”.

Văn hóa trọng thi cử đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các em. Từ bao năm nay, thi trượt là một điều gì đó rất kinh khủng. Trong cuộc sống, thi trượt và thất bại cũng là một sự thường, thậm chí là cơ hội để trưởng thành. Điều quan trọng không phải là bản thân việc thi trượt, mà ở việc ứng xử với nó thế nào để vượt qua và trưởng thành từ chính thất bại đó.

Với lượng học sinh và chỉ tiêu của các trường công lập như hiện nay thì một số học sinh (lên đến 30-44%) thi trượt công lập là chuyện đương nhiên, không rơi vào người này thì sẽ rơi vào người khác. Thi trượt vào lớp 10 công lập không phải là dấu chấm hết vì hiện nay có nhiều trường ngoài công lập, trường đào tạo nghề. Nếu tài chính gia đình cho phép, học sinh có thể chọn một trường tư thục để học tiếp, nếu không thì có thể chọn học nghề.

Các trường tư thục thường được chăm chút đầu tư và có những thế mạnh riêng mà trường công không có. Còn trường đào tạo nghề lại giúp các em chạm gần cuộc sống nghề nghiệp hơn. Những thứ đó đều cần thiết và là điểm khác biệt so với trường công.

Nhìn từ góc độ toàn xã hội, việc phân luồng học sinh giúp cho hệ thống giáo dục ngoài công lập và trường nghề tìm được đối tượng đào tạo và có cơ hội phát triển, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu khác nhau của xã hội.

Do đó, cha, mẹ học sinh cần hiểu rõ thực lực của con mình và đừng kỳ vọng quá cao, đặt lên vai các em những áp lực không đáng có.

Đa dạng mô hình và trình độ đào tạo

Để giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông thì có nhiều vấn đề cần được giải quyết và phải có những giải pháp đồng bộ.

Một trong những giải pháp là đa dạng hóa hình thức và trình độ đạo tạo, giải tỏa tâm lý coi nặng trường công, coi nhẹ trường tư và trường nghề.

Hiện tại, có tới 95% tổng số học sinh phổ thông ở Việt Nam học trường công lập, chỉ có 5% số em học trường ngoài công lập. Số lượng học sinh trường dân lập, tư thục như vậy là quá ít và học phí quá cao so với trường công lập. Bình quân một em đi học tại trường công lập chỉ phải nộp hơn 6 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập, hơn 25 triệu đồng/người/năm, trường tư thục là gần 18 triệu đồng/người/năm. Chỉ tính riêng học phí, nếu học sinh đỗ vào trường công lập thì gia đình sẽ tiết kiệm được từ 3-4 lần.

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ học sinh tại trường công lập quá cao khiến ngân sách nhà nước không gánh xuể, cần có biện pháp khuyến khích phát triển trường ngoài công lập, chẳng hạn như ưu đãi giá thuê đất, để hạ học phí. Khi số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng, dưới áp lực cạnh tranh thì học phí sẽ được giảm xuống.

Bên cạnh trường trung học phổ thông ngoài công lập thì trường nghề cũng là lối mở lớn đối với các em đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay nước ta có gần 2.000 cơ sở thuộc mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể đăng ký học nghề theo 3 hướng. Thứ nhất, vừa học nghề vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông với 4-6 môn. Sau khi có bằng trung cấp nghề và hoàn thành chương trình văn hóa, các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng. Thứ hai, vừa học nghề vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp, học sinh đủ điều kiện thì sẽ học liên thông lên cao đẳng, đại học. Thứ ba, chỉ học trung cấp nghề.

Chương trình học nghề 9+ (học văn hóa bậc trung học phổ thông song song với học nghề) dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đang phổ biến tại nhiều nước tiên tiến như: Nhật Bản, Đức, Singapore... Mô hình này (3 năm với trình độ trung cấp, 4-5 năm với trình độ cao đẳng) bắt đầu phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, giáo dục trung học phổ thông cần đáp ứng được nhu cầu và điều kiện hết sức đa dạng của xã hội, mà không cần dùng kỹ thuật thi cử để hạn chế con đường học hành của một số em.

Chương trình đào tạo trung học phổ thông cần phù hợp với trình độ nhận thức và yêu cầu của nhiều đối tượng. Có trường để chuẩn bị cho học sinh vào đại học, có trường định hướng vào học nghề, trường năng khiếu đặc thù… Sự đa dạng mô hình trường học sẽ giúp giảm tải kỳ thi tuyển vào lớp 10 rất căng thẳng hiện nay.

Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.