Cụ thể, lượng khách trên được tính từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến Mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức từ ngày 8-14/2). Trong đó, lượng khách qua lưu trú đạt 178.500 lượt; khách quốc tế đạt 18.000 lượt, tăng 114,2% so cùng kỳ năm 2023 (khách qua lưu trú đạt 17.100 lượt); khách nội địa đạt 220.000 lượt, tăng 58,73% so cùng kỳ năm 2023 (khách qua lưu trú đạt 161.400 lượt).
Theo ghi nhận của phóng viên, đến sáng Mùng 6 Tết (ngày 15/2), Đà Lạt vẫn tấp nập khách du Xuân, tham quan các khu, điểm du lịch trong thành phố. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú cho biết lượng khách vẫn liên tục đặt phòng cho các ngày tới, có nơi hiện đã kín phòng cho đến Mùng 10 Âm lịch.
Thành phố Đà Lạt đang vào mùa hoa Mai anh đào (loài hoa nổi tiếng của phố núi) nở rộ, trong khi thời tiết se lạnh dễ chịu cũng là lý do thu hút khách đến ngắm hoa, du Xuân kéo dài nhiều ngày sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc.
Trước đó, đợt cao điểm của kỳ nghỉ Tết năm nay bắt đầu từ chiều Mùng 2 đến hết Mùng 5 Tết (11 – 14/2) khi khách du lịch đổ xô đến Đà Lạt. Thời điểm này, các khách sạn từ 3- 5 sao đạt công suất từ 90-95%, các loại hình phòng nghỉ khác đạt 75-85% công suất.
Trong đợt cao điểm, lực lượng chức năng của thành phố Đà Lạt cũng tiến hành kiểm tra, tuyên tuyên chấp hành các quy định của nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; chưa xảy ra những vấn đề nổi cộm về giá cả, thái độ phục vụ, chất lượng sản phẩm… làm ảnh hưởng đến chất lượng du lịch của thành phố.
Dịp này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan duy trì các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bội tín trong kinh doanh, nâng ép giá, chèo kèo du khách. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra không để du khách sử dụng không gian công cộng, công viên để tổ chức dã ngoại, ăn uống, cắm trại tự phát làm mất mĩ quan, vệ sinh môi trường.