Quảng bá điểm đến
Đã hơn một tháng, kể từ khi sự kiện APEC 2017 kết thúc, bình quân mỗi ngày Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đón gần 1.000 lượt khách đến thăm, một tín hiệu khá tốt nếu so với thời gian trước chỉ khoảng 700 - 800 lượt khách, góp phần nâng tổng lượng khách đến tham quan Bảo tàng Chăm năm 2017 lên con số gần 308.000 lượt (với 285.000 lượt khách quốc tế), vượt 104% so với cùng kỳ năm 2016.
Dù chưa có những nghiên cứu, khảo sát cụ thể, nhưng theo ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, hiệu ứng của APEC dẫn đến việc tăng khách của bảo tàng là không phủ nhận. Trong Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng đã có 15 đoàn đại biểu cấp cao của 21 nền kinh tế APEC ghé thăm bảo tàng, trong đó có phu nhân nguyên thủ các nền kinh tế APEC như Thái Lan, Peru, Papua New Guinea… “Đây là vinh dự và cơ hội rất lớn để bảo tàng xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh của mình, nhất là với các thị trường khách xa thời gian tới”, ông Hải chia sẻ.
Tại một số điểm du lịch của Quảng Nam như Làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ), phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên)… cũng có những chuyển biến tích cực trong tăng trưởng khách. Đặc biệt, khu vực phía Nam tỉnh Quảng Nam, nơi diễn ra một số hoạt động tham quan của đoàn đại biểu Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC (VOF), từ sau APEC mỗi ngày đã đón gần 1.500 lượt khách ghé thăm, chủ yếu là các cựu chiến binh Mỹ và các đoàn khách Hàn Quốc. Trong đó, Làng bích họa Tam Thanh, một dự án do các nghệ sĩ Hàn Quốc thực hiện, đã nổi lên như là điểm đến hấp dẫn đầy triển vọng.
Không chỉ vậy, việc đăng cai tổ chức các hoạt động bên lề như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC; Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC; khai trương Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, hay đón tiếp các phu quân, phu nhân APEC tham quan phố cổ, làng lụa… đã trở thành cơ hội quý giá quảng bá hình ảnh Hội An đến du khách trong và ngoài nước.
Sự kiện khai trương Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Hình ảnh 2 thủ tướng dạo qua các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, cầu An Hội, chùa Cầu… dường như tràn ngập trên các phương tiện truyền thông 2 nước và thế giới về một không gian cổ kính, an toàn nhưng cũng không kém phần lung linh thơ mộng.
Khuếch trương hình ảnh với bạn bè quốc tế
Năm 2017, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 6,6 triệu lượt, tăng 19% so với năm 2016, đạt 104,8% kế hoạch năm 2017; khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, tăng 36,8% so với năm 2016, đạt 114,7% kế hoạch năm 2017; khách nội địa ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11,3% so với năm 2016, đạt 100,1% kế hoạch năm 2017. Đây là con số khá ấn tượng và cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng, đây là kết quả phản ảnh một năm đầy nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng. Trong đó, sự kiện APEC là một trong những yếu tố giúp tạo nên kết quả đó. Từ thành công của sự kiện APEC, không chỉ đưa hình ảnh Đà Nẵng, Việt Nam đến gần hơn với thế giới, giúp thu hút khách, kêu gọi đầu tư mà còn thể hiện vai trò, vị trí của Đà Nẵng như là điểm đến an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đón tiếp, một yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt, khẳng định Đà Nẵng sẵn sàng đăng cai những sự kiện mang tầm quốc tế sau này.
“Hiện thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch xây dựng chương trình hành động hậu APEC, nhất là trong công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút khách, thu hút đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế hình ảnh Đà Nẵng. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm sẽ tập trung vào 2 loại hình du lịch chủ đạo là nghỉ dưỡng biển và du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm…), hướng vào thị trường khách cao cấp”, ông Trần Chí Cường nói.
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, APEC chính là cơ hội quý báu để du lịch Quảng Nam khuếch trương hình ảnh ra thế giới, nhất là với thị trường khách 21 nền kinh tế thành viên. Thực tế, từ kinh nghiệm của APEC 2006, việc khuếch trương hình ảnh điểm đến Quảng Nam đã luôn được ngành du lịch chú trọng, tạo tiền đề tăng trưởng.
“Sự kiện APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã mang đến cho đại biểu và nguyên thủ 21 nền kinh tế cái nhìn mới về hình ảnh thân thiện và an toàn của địa phương đăng cai. Đặc biệt, chúng ta đã khoe được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, qua đó giúp quảng bá hình ảnh Quảng Nam ra bên ngoài tốt hơn, nhất là thông qua sự chuyển tải thông tin của các hãng thông tấn tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Sau APEC, ngành du lịch đã đặt ra một chiến lược quy hoạch, phát triển du lịch bài bản hơn, mục tiêu hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2035 dựa trên nền tảng và cơ hội từ APEC”, ông Đinh Hài cho biết.
Dù những kế hoạch, chiến lược thu hút khách vẫn còn phía trước, nhưng không phủ nhận hình ảnh điểm đến Đà Nẵng, Quảng Nam hậu APEC đã trở nên quen thuộc hơn với du khách, nhất là với các thị trường khách “lạ” trong 21 nền kinh tế. Qua đó, mở ra những kỳ vọng về những thị trường khách mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư trên vùng đất nhiều tiềm năng này..
Theo SGGP