Tư duy mới về đặc khu kinh tế
Đây là một trong 4.500 đặc khu trên thế giới hiện nay, tồn tại và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau như “khu kinh tế”, “khu kinh tế tự do”, “khu kinh tế đặc biệt” hay “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “khu tự trị”, “khu thí điểm thương mại tự do”, “khu vực hợp tác thương mại công nghiệp hiện đại” … và hiện tại trên thế giới có ít nhất 20 từ khác nhau mô tả các loại hình khu và đều được hiểu là các Khu kinh tế đặc biệt hoặc Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone), tuy nhiên đa số đều thống nhất xác định đặc khu kinh tế diễm nôm là khu vực được phân định ranh giới địa lý rõ ràng và được bảo đảm về mặt an ninh; có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt; là khu vực được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, hải quan và có các đặc quyền cụ thể (FIAS, 2008).
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Malaysia, Indonesia, Singapore... đang triển khai và áp dụng thành công nhiều mô hình đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, khu thương mại tự do và các mô hình này đã góp phần thu hút hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Gần đây nhất là Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng đặc khu kinh tế quốc gia và xem đây là một trong các công cụ phục hồi kinh tế.
Ảnh minh họa |
Theo nghiên cứu quốc tế của FIAS (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova là các quốc gia không phát triển thành công mô hình đặc khu kinh tế.
Các yếu tố, điều kiện quyết định sự thành công(1) Luật điều chỉnh riêng cho đặc khu kinh tế (2) Vị trí chiến lược (3) Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng (4) Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế (5) Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ (6) Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả | Các yếu tố, nguyên nhân dẫn đến sự không thành công(1) Vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn (2) Các chính sách thiếu tính cạnh tranh (3) Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu (4) Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp (5) Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu |
Bao giờ Việt Nam có đặc khu kinh tế?
Trong khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút đầu tư thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới với thể chế, chính sách vượt trội. Do vậy, Việt Nam chủ động tạo dựng “sân chơi mới” (new rule of game) là hoàn toàn phù hợp.
Việt Nam không phải chưa có đặc khu. Trước đây đã từng có Khu tự trị Việt Bắc, Khu tự trị Tây Bắc và Đặc khu Hồng Gai, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương nhưng từ lâu đã được tổ chức lại, mô hình ban đầu không còn tồn tại nữa.
Việt Nam đã xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai nhưng thực tế thất bại. Đặt trong bối cảnh cạnh tranh với các nước khác đã có kinh nghiệm nhiều năm phát triển đặc khu kinh tế, thì đặc khu kinh tế Việt Nam còn hạn chế về vị trí, hạ tầng…
Ngay khi cảm nhận được các trì trệ và tính cấp thiết trong thay đổi, hiểu rõ nguồn lực bên trong là cơ bản và chiến lược lâu dài còn nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, Bộ Chính trị đã có chủ trương nghiên cứu xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế từ năm 2012.
Trong vòng 5 năm qua, rất nhiều nỗ lực để xây đắp lên ý tưởng, hình hài cho mô hình đặc khu kinh tế theo theo kiểu Việt Nam - một mô hình thích ứng và khả thi với điều kiện của Việt Nam.
Và cũng mất đến 5 năm để số đông tin rằng, đó là nơi mà một quốc gia có thể thử nghiệm thể chế, thử nghiệm các chính sách kinh tế của mình, thử nghiệm trao quyền tự chủ cao và mức độ tự do hóa vượt trội so với thể chế hiện hành.
Và đương nhiên, không dễ gì thu hút được nhà đầu tư bằng một vài ưu đãi tài chính. Trong thiết kế đặc khu, điều kiện kiến tạo cần đặt cao hơn điều kiện ưu đãi để thu hút mạnh đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có tiềm lực, có công nghệ hiện đại. Và cũng không chỉ dừng lại ở đó, Nhà nước vẫn phải duy trì vai trò có ý nghĩa quyết định để tạo ra những công trình hạ tầng thiết yếu mang tính chất nền tảng.
Cho đến thời điểm này, sự đồng thuận của xã hội khá cao đối với tư tưởng xây dựng mô hình đặc khu với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, vượt trội và đủ sức hợp tác và cạnh tranh quốc tế để tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ở Việt Nam là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Đặc biệt vào lúc này khi các tiềm năng tĩnh của quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã tới hạn và không thể khai thác cạn kiệt hơn nữa. Chỉ có các tiềm năng động để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn mới cần liên tục kích hoạt thông qua cải cách thể chể, kích thích sự sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của con người.
Có 2 nguyên tắc cho cuộc chơi Đặc khu kinh tế.
Thứ nhất, việc xây dựng bất kỳ mô hình mới nào đều phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước; hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, của địa phương và người dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, phải kiến tạo bằng được mô hình đặc khu kinh tế mới bằng cơ chế, chính sách vượt trội và đột phá - Đó là con đường cải cách, tạo môi trường đầu tư đặc biệt hấp dẫn, tạo nên cực tăng trưởng mới cho quốc gia.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc lựa chọn địa điểm cho ba đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) liệu đã hợp lý hay chưa. Dựa trên các phương pháp lựa chọn địa điểm đầu tư, ba đặc khu kinh tế của Việt Nam đều nằm ở những vị trí chiến lược về thu hút đầu tư. Trong đó, mỗi đặc khu lại có một lợi thế so sánh riêng.
Một trong những điểm tạo ra sự thu hút chú ý của công luận, khi dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đề xuất việc cho nhà đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên được thuê đất trong thời hạn 99 năm.
Bên cạnh đó là các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như visa thông thoáng hơn, đặc khu kinh tế sẽ mở rộng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rút ngắn các thủ tục hành chính… Dự thảo luật cũng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc giải quyết tranh chấp như áp dụng pháp luật nước ngoài và cho phép giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế. Về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể như bộ máy hành chính sẽ được tổ chức theo hình thức một cửa giúp rút ngắn thủ tục đầu tư kinh doanh.
Điểm gây tranh cãi nhất hiện nay là mô hình tổ chức chính quyền địa phương nên như thế nào. Mô hình này về nguyên tắc cần phù hợp với đầy đủ các yếu tố của một cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, chứ không phải mô hình quản lý của các khu kinh tế tập trung. Thể chế phải đủ mạnh với nền hành chính hiện đại, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thủ tục hành chính thuận lợi. Hiện nay các mô hình khác nhau đang được đề xuất và thảo luận về tính hợp hiến và tính khả thi. Đơn cử là mô hình có HĐND và UBND, mô hình không có HĐND và UBND chỉ tập trung vào vai trò Trưởng đặc khu, mô hình vẫn có HĐND và Chủ tịch được trao quyền như Trưởng đặc khu…
Triển khai một ý tưởng phát triển mới, như Đặc khu kinh tế theo kiểu Việt Nam, có thể được coi là mũi khoan vào tảng đá của các nhóm lợi ích, thay đổi luật lệ và lề lối cũ. Đã mất đến 5 năm để bàn đi bàn lại rất kỹ rồi.
Chính quyền đặc khu kinh tế được giao quyền tự chủ cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là quyền lập quy về kinh tế (trong một số trường hợp như: đặc khu hành chính Hông Kông của Trung Quốc, Quần đảo Cayman). Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính đơn giản, công khai và minh bạch; đủ thẩm quyền để kịp thời xử lý và giải quyết các thủ tục hành chính, yêu cầu và vướng mắc của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân một cách nhanh gọn. Đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ quốc tế, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến thông qua cơ chế tuyển dụng cạnh tranh, nâng cao chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng, hỗ trợ nhà ở…, thu hút người lao động có trình độ chuyên môn cao.