Bệnh nhân là H’B.J., sinh năm 1968, dân tộc M’nông, ở buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Ngày 4/7 bệnh nhân khởi bệnh với các triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó và tự mua thuốc về điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Đến ngày 6/7, bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk và được chẩn đoán viêm amydal hốc mủ, chưa loại trừ bệnh bạch hầu. Sau đó bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Kết quả xét nghiệm chiều ngày 7/7 cho thấy bệnh nhân dương tính với bạch hầu.
Đáng chú ý, kết quả điều tra yếu tố dịch tễ cho thấy, trước và trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân sống và làm nông tại buôn Diêo,không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Xung quanh gia đình bệnh nhân cũng không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tương tự.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí - PGĐ phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly tất cả các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc với ca bệnh; sử dụng kháng sinh dự phòng Erythomycine cho các ca tiếp xúc xung quanh; xử lý môi trường tại hộ gia đình và khu vực xung quanh.
Đồng thời triển khai khám sàng lọc, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân trong buôn Diêo.
Như vậy, ngoài tỉnh Đắk Lắk xuất hiện ca nhiễm bạch hầu đầu tiên, các tỉnh khác như Gia Lai ghi nhận 13 ca, Kon Tum 23 ca và Đăk Nông 25 ca