Đoàn Thị Hương được ra tù trong sáng thứ Sáu, luật sư của cô cho biết. Công dân Việt Nam sau đó tới cơ quan di trú để làm thủ tục xuất cảnh trước khi về nước vài tiếng sau đó.
Đoàn Thị Hương cùng với Siti Aisyah - nghi phạm nang quốc tịch Indonesia và 4 người đàn ông Triều Tiên đã bị buộc tội đầu độc một người đàn ông nghi là Kim Jong-nam khi ông này có mặt tại sân bay ở Malaysia tháng 2 năm 2017.
Các luật sư cho rằng các đặc vụ Triều Tiên (4 nam nghi phạm) đã lợi dụng 2 nữ nghi phạm bằng cách dựng lên màn kịch họ đang tham gia một chương trình thực tế.
Triều Tiên liên tục phủ nhận có liên quan đến vụ sát hại Kim Jong-nam, mặc dù chính phủ Mỹ, Hàn Quốc và Malaysia đều cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ việc.
Chiếc xe chở Đoàn Thị Hương ra khỏi nhà giam. Ảnh: CNN |
Trong quá trình điều tra ban đầu và qua hầu hết các phiên tòa, cảnh sát và các công tố viên đều kiên quyết rằng cả 2 người phụ nữ đều biết họ đang làm gì và phải chịu trách nhiệm cho hành động hạ độc người đàn ông ở sân bay. Tuy nhiên, sau đó các công tố viên Malaysia dần thay đổi quyết định khi chấp thuận phóng thích nữ nghi phạm Siti Aisyah.
Vụ việc bắt đầu được xét xử khi Thủ tướng Najib Razak nắm quyền. Nhưng ông Razak sau đó đã bị lật đổ vào năm ngoái bởi nhà lãnh đạo hiện tại là Thủ tướng Mahathir Mohamad, người đã bổ nhiệm ông Tommy Thomas làm Bộ trưởng Tư pháp mới.
Nghi phạm Aisyah đã được trả tự do vào tháng 3 sau thời gian bị truy tố và trở về quê nhà ở Indonesia vài giờ sau đó. Chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố nỗ lực vận động hành lang mãnh liệt của họ đã giúp đảm bảo việc thả công dân nước này.
Các nhà phân tích suy đoán rằng ông Widodo có thể đã chính trị hóa vụ việc, vì nó đã diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 4 của Indonesia.
Siti Aisyah được trở về Indonesia sau khi được phóng thích. Ảnh: CNN |
Một tháng sau khi Aisyah được trả tự do, nghi phạm còn lại là Đoàn Thị Hương đã chấp nhận thỏa thuận với tội danh "gây tổn thương bởi vũ khí nguy hiểm" và sẽ được thả tự do trong ngày 3/5.
Cô đã bị kết án 3 năm 4 tháng tù giam, nhưng đã tính vào thời gian bị tạm giam và được tòa giảm án để sớm được thả tự do
Vụ việc ám sát ông Kim Jong-nam diễn ra trong bối cảnh các vụ thử tên lửa đạn đạo năm 2017 của Triều Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế tiến hành các hành động lên án nước này. Tuy nhiên các nỗ lực ngoại giao của Chủ tịch Kim Jong-un với các nguyên thủ quốc gia sau đó đã khiến vụ việc dần chìm xuống.
Ông Euan Graham - giám đốc điều hành chương trình châu Á của Đại học La Trobe, cho biết Triều Tiên đã rất thành công trong việc sử dụng một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Việt Nam và Nga, để làm giảm căng thẳng.
"Hiện tại sẽ không có thêm nỗ lực nào để khiến vụ kiện các nghi phạm sát hại Kim Jong-nam đi xa hơn, trong bối cảnh các nước đang giữ gìn quan hệ hữu nghị với Chủ tịch Kim Jong-un", ông Graham nói..