Dấu ấn phát triển Giáo dục nghề nghiệp năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Tổng cục giáo dục nghề nghiệp vừa bình chọn 5 sự kiện là những dấu ấn phát triển lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp trong năm 2023.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đạt các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau Trung học Cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng Trung học Phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động, có cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ...

Mục tiêu tiếp theo là: có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới...

Nhiều cấp ủy đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy/thành ủy đã ban hành kế hoạch/chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Sắp xếp, tổ chức lại các trường công lập 4 cấp theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy hoạch; ban hành các quyết định giải thể 13 trường cao đẳng, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của 4 bộ, 46 địa phương. Các tỉnh/thành phố theo thẩm quyền đã quyết định sáp nhập, giải thể 30 trường trung cấp, 42 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành Trung ương theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ban chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có Kết luận yêu cầu các bộ, ngành sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng, trung cấp công lập theo 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, tỉnh) theo quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguyên trạng 10 trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ Xây dựng; Bộ Nội vụ đề xuất chuyển nguyên trạng 8 trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, 2 trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 trường cao đẳng thuộc Bộ Quốc phòng sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành chất lượng cao.

3. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đổi mới, phát triển cả chiều rộng, chiều sâu. Bên cạnh việc duy trì hoạt động hợp tác hiệu quả với các đối tác truyền thống, đã thu hút được nhiều đối tác tiềm năng mới quan tâm hợp tác với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, như các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Phần Lan. Các chương trình, dự án quốc tế đã hỗ trợ kịp thời cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Sự tham gia, đóng góp tích cực của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong các hội nghị cấp cao của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong khu vực ASEAN và thế giới; nhiều diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề... đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đã có thêm nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật mới, đóng góp cho các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng của quốc gia, trong đó đặc biệt quan trọng là cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh châu Âu đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2024-2028 với tổng nguồn vốn lên tới 54,6 triệu Euro.

4. Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả tích cực

Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin trong đào tạo nghề; xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường. Các bộ, ngành đã lồng ghép kế hoạch chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp trong chương trình, kế hoạch chuyển đổi số hằng năm, 5 năm.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp đã góp phần mở rộng phương thức đào tạo, tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người học, thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

5. Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện mạnh mẽ

Theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong top 4, chỉ xếp sau Singapore, Indonesia. Chỉ số GCI là một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là yếu tố cơ bản cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sự tăng tiến của chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam có thể thấy rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào tháng 3/2023. Theo đó, chất lượng đào tạo nghề Việt Nam trên thang điểm 6 đã đạt 4.4 điểm (năm 2018 chỉ đạt 3.8 điểm). Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dựa trên kết quả điều tra đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề (B6) là động lực thúc đẩy hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi cần tác động đến hệ thống trong trung và dài hạn, từng bước nâng cao chất lượng nội tại một cách thực chất nhằm thúc đẩy các nền kinh tế tự cải thiện, nâng cao năng lực.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ông Piotr Tsvetov, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Nga-Việt đã có dịp trao đổi về ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại này.
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).