Dấu chấm hết cho vai trò của phụ nữ trong chính quyền Taliban

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kể từ khi giành được quyền kiểm soát tại Afghanistan hồi tháng trước, nhiều lãnh đạo của lực lượng Taliban đã tuyên bố sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ tại quốc gia này.
Dấu chấm hết cho vai trò của phụ nữ trong chính quyền Taliban

Nhưng trong những tuần gần đây, Taliban không có nhiều động thái giúp làm xoa dịu những lo ngại rằng nhóm này sẽ một lần nữa cấm phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị và tại những công cộng.

Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Taliban nhắm đến là Bộ Phụ nữ tại thủ đô Kabul, các tay súng đã chiếm giữ cơ quan này hồi đầu tháng này, biến nó trở thành trụ sở của lực lượng cảnh sát giám sát đạo đức.

Các nhà hoạt động nữ quyền của Afghanistan đã lên án động thái bãi bỏ Bộ Phụ nữ của Taliban, coi đây là dấu chấm hết cho một cơ quan mang tính biểu tượng về vai trò của phụ nữ trong chính phủ suốt 20 năm qua.

Họ cũng tái khẳng định vị trí quan trọng mà cơ quan này đã đảm nhận, dù chưa hoàn thiện, kể từ lần đầu tiên được thành lập vào năm 2001 với mục đích thúc đẩy các vấn đề liên quan và quyền của phụ nữ thông qua các các đạo luật và chính sách tại Afghanistan.

"Vào thời điểm đó, việc thành lập Bộ Phụ nữ được xem như là một thắng lợi”, Bahar Jalali, một nhà sử học sáng lập chương trình nghiên cứu về giới đầu tiên tại Đại học Mỹ ở Afghanistan, nhấn mạnh. “Đó giống như bình minh của một kỷ nguyên mới."

Trong quá khứ, các hiệp hội phụ nữ tại Afghanistan luôn tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo các ngành nghề vốn đã hoạt động từ lâu trong nước. Đến năm 1945, tòa nhà – trụ sở đầu tiên của Bộ Phụ nữ này, từng được mua lại bởi tổ chức có tên Women’s Grand Organization vào thời điểm đó, và được sử dụng làm trụ sở cho Bộ Lao động và Xã hội vào năm 1963.

Nhưng khi Taliban lên nắm quyền vào năm 1996, nhóm này đã ban hành lệnh cấm tất cả phụ nữ và trẻ nữ tham gia học tập, làm việc. Phong trào này cũng thường xuyên trừng phạt, thậm chí trong một số trường hợp, đã hành quyết công khai những phụ nữ bị cáo buộc là không tuân theo quy tắc .

Vì vậy, khi Bộ Phụ nữ lần đầu tiên thành lập tại Afghanistan sau khi Taliban bị lật đổ, cơ quan này chưa thực sự được hoàn thiện về mặt thể chế, và thiếu hụt nguồn cán bộ nhân viên có trình độ, có kinh nghiệm. Theo một báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) được công bố vào năm 2003, công tác hỗ trợ từ Chính phủ Afghanistan cũng gặp nhiều những hạn chế, khiến Bộ này bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài trợ từ nước ngoài rót vào, và không xây dựng được một kế hoạch phát triển chiến lược.

“Cần phải có một sự chuyển đổi sâu sắc hơn nữa - trong hoạt động của Bộ và trong cách tiếp cận quốc tế - nếu muốn thực hiện giải quyết các vấn đề về giới một cách triệt để và bền vững”, ICG nhấn mạnh trong bản báo cáo nêu trên, đồng thời cho biết thêm rằng Bộ này “phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như về tài chính từ cộng đồng quốc tế.”

Hệ quả là, Bộ Phụ nữ Afghanistan đã gặp phải những vấn đề tương tự như những gì mà Mỹ đã gặp phải khi thực hiện các dự án tại quốc gia Trung Á này.

Các nhà tài trợ nước ngoài đã đầu tư hàng triệu USD vào các dự án tại Afghanistan mà không tiến hành giám sát chặt chẽ và không triển khai các kế hoạch phát triển bền vững, vô hình chung khiến cho vấn nạn tham nhũng cũng như sự thờ ơ của giới lãnh đạo trong chính phủ cũ trở nên vô cùng nghiêm trọng.

Theo bà Jalali cho biết, ngay từ đầu, Bộ này đã có “một số dự án thực sự rất khả quan”, song vấn đề chính nằm ở việc các khoản viện trợ quốc tế đã “giảm đi và bị cạn kiệt”.

Bà Jalali cũng chỉ ra rằng rất nhiều dự án do nước ngoài tài trợ về vấn đề việc làm, sức khỏe hay giáo dục cho phụ nữ Afghanistan dường như bị cộng đồng quốc tế coi là nghĩa vụ, là “bài kiểm tra bắt buộc phải hoàn thành”. “Những dự án không được giám sát, không được đánh giá. Họ chỉ muốn thể hiện rằng, "Chúng tôi đang thúc đẩy các dự án vì phụ nữ tại đây", bà bình luận.

Một vấn đề khác cũng nảy sinh khi phần lớn các khoản viện trợ được sử dụng và mang lại lợi ích cho những đối tượng phụ nữ sinh sống ở các thành phố lớn như thủ đô Kabul. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, phụ nữ nhận được rất ít sự hỗ trợ dành cho việc tái thiết lại cuộc sống.

Tuy nhiên, dù vẫn còn tồn tại những vấn đề nêu trên, nhưng phụ nữ Afghanistan, trong suốt hai thập kỷ qua, đã có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục, có được việc làm, được kinh doanh và tham gia các hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Các khoản viện trợ phát triển và các chương trình đào tạo cũng giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của các bà mẹ và trẻ sơ sinh tại quốc gia này.

“Thực sự đã xuất hiện những người phụ nữ rất có năng lực”, nhà sử học Jalali cho biết. “Một thế hệ phụ nữ biết cách giao tiếp, phát biểu trước cộng đồng quốc tế và biết những gì là cần thiết với Afghanistan.”

Một trong những phụ nữ đó là Hasina Safi - một người tị nạn Afghanistan. Bà đã trở nước vào năm 2005 để giúp xây dựng, tái thiết đất nước mình. Trong 15 năm qua, Safi đã triển khai nhiều chương trình với tư cách là một nhà hoạt động vì nhân quyền và được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Phụ nữ của Afghanistan vào năm 2020.

Ở Bộ Phụ nữ, “cho dù ai đó thích hay không thích, vẫn luôn có một vị trí, một chỗ ngồi cho phụ nữ,” bà Safi nhấn mạnh, và khẳng định rằng đây là “nơi” hoạch định các chính sách vì phụ nữ tại Afghanistan.

Khi lên nắm quyền lãnh đạo, bà Safi đã thúc đẩy nhiều hoạt động để Bộ này có tiếng nói hơn trong quá trình lập ngân sách, cũng như tạo sức ép để việc giám sát tại các dự án liên quan đến phụ nữ ở những cơ quan khác trong chính phủ được chú trọng.

“Có hàng nghìn dự án đã được triển khai, thực hiện mà Bộ thậm chí không hề biết”, bà Safi cho biết trong một lần phát biểu về tình hình hoạt động của Bộ Phụ nữ Afghanistan.

Thời điểm trước khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, bà Safi đang chuẩn bị đánh giá lại công việc của Bộ, kế hoạch mới theo dự định sẽ được cô trình bày cùng với nội các trong tháng này. Nhưng khi sự kiện ngày 15/8 nổ ra tại Afghanistan, bà ấy đã phải di chuyển nhiều nơi để đảm bảo sự an toàn cho đến khi trốn thoát được khỏi đất nước vào cuối tháng Tám vừa qua.

“Các bộ như vậy được thành lập ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, phản ánh cam kết của các chính phủ trong việc duy trì, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ,” bà Safi cho biết trong một bản tuyên bố.

Đó cũng là lý do tại sao bà Safi đang nỗ lực kêu gọi các bên từng tài trợ cho Bộ Phụ nữ Afghanistan, bao gồm Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ), chỉ thực hiện viện trợ cho Taliban với điều kiện nhóm này phải cam kết sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ.

“LHQ nên đưa ra các tiêu chí cụ thể về sự tham gia của phụ nữ, về việc bảo vệ những thành tựu đã đã được, các đạo luật đã tạo được sức ảnh hưởng, trong bất kỳ cam kết, thoả thuận nào trong tương lai”, bà Safi nói trong một cuộc phỏng vấn tại London. "Bây giờ là lúc phải hành động."

“Chúng tôi không thể sơ tán tất cả phụ nữ khỏi Afghanistan”, bà Safi cho biết. "Và không ai muốn rời khỏi nhà, khỏi đất nước của họ."

Theo Washington Post
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tại lễ gắn biển công trình đạt giải Đặc biệt giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ III đối với Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) -  Chiều 15/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ gắn biển đạt giải Đặc biệt trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).