Đâu rồi cam Vinh?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tôi vào Sài Gòn, dọc trên xa lộ Hà Nội, thấy những hàng xe đẩy đầy vun cam. Trái nào trái nấy to tròn căng mọng trông rất bắt mắt. Tấm biển quảng cáo cũng bắt mắt không kém được đề là cam Vinh. Đi thêm một quãng, ở những tiệm trái cây gần chợ cũng thế, hai chữ cam Vinh to tướng nằm chóc ngóc trên từng sạp cam.

Tôi ngẩn người ra một lúc. Bây giờ đang tháng bảy, cam Vinh chưa vào mùa. Phải đợi đến tháng mười vùng cam Vinh mới bắt đầu cho những lứa quả đầu tiên. Tháng mười hai thì vào chính vụ, lai rai cho đến hết Tết tây, Tết ta rồi thủng thẳng vắt sang tháng hai, tháng ba năm sau.

Người ta đã gán cam Vinh vào các loại cam khác chưa rõ nguồn gốc. Buồn rõ mười mươi ra đấy nhưng trong lòng cứ vui thầm. Cam Vinh đã là một thương hiệu trong lòng người tiêu dùng khắp nước. Tuy nhiên, thực trạng cam Vinh trên đất Nghệ đang là một bài toán nan giải. Sau giai đoạn hoàng kim, nghề trồng cam đang lao dốc không phanh. Diện tích vùng cam đang thu hẹp dần, người dân loay hoay từ chất lượng đến đầu ra cho sản phẩm. Mọi thứ không theo lộ trình vạch sẵn khiến chủ trương phát triển cây ăn quả có múi mà trọng tâm là cây cam đang ngày một xuống dốc trên đất Nghệ.

Đâu rồi cam Vinh? ảnh 1

Cam Vinh đã là một thương hiệu trong lòng người tiêu dùng khắp nước.

Đường đến thương hiệu

Nhắc đến Cam Vinh người ta nghĩ ngay đến Cam xã Đoài. Điều này hoàn toàn có căn cứ. “Cam xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được mang đến trồng đầu tiên ở làng Xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc) vào khoảng đầu thế kỷ 19”. Trong cuốn Lịch sử xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (NXB Hà Nội, năm 2014) đã ghi lại vậy. Nguồn tư liệu chính xác để khẳng định được nguồn gốc của cam Xã Đoài thì thật khó. Nếu muốn biết thêm câu chuyện về cam thì về làng, lân la kiếm chuyện, những cụ già tóc trắng mắt vui sẽ kể cho nghe về nguồn gốc cam xã Đoài bằng tất cả thịnh tình và say mê.

Người ở làng kể rằng, khoảng hơn 150 năm trước, khi đến vùng đất này truyền đạo, một vị linh mục người Pháp đã mang theo giống cam trồng tại khu đất thuộc Tòa Giám mục xã Đoài. Từ đó cây cam được mở rộng thành vùng cam xã Đoài như ngày nay.

Người ở làng cũng kể rằng, người đã gieo giống, để tạo nên những cây cam đầu tiên mang tên xã Đoài danh bất hư truyền sau này, chính là danh nhân Nguyễn Trường Tộ, một nhà canh tân hàng đầu Việt Nam ở thế kỷ 19, đồng thời cũng là một con người nặng lòng với quê hương. Nguyễn Trường Tộ bắt đầu gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha tại xã Đoài ở giai đoạn 1864 - 1871.

Trong ánh mắt say mê đầy tự hào của người làng, cam Xã Đoài là loại cam “quý tộc”. Người ta truyền tai nhau câu chuyện rằng. Cam Xã Đoài đã nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do triều đình Huế tổ chức và được vua phong hàm “cửu phẩm” vì chất lượng thơm ngon. Đất nước trải qua bao nhiêu biến cố thì có bấy nhiêu đời vua. Vua nào phong hàm cho cam người ta không nhớ. Người ta có thể quên tên vua mà không thể quên tên cam.

Năm 2007, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho cam Vinh. Mười hai xã của năm huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, với diện tích hơn 1.681 ha trồng ba giống cam: Xã Đoài, Vân Du, Sông Con nằm trong vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cam Vinh trở thành một thương hiệu. Người ta lại rỉ tai nhau không biết vùng đất ấy có gì mà trái cam lại thơm ngon giòn ngọt đến vậy.

Cam Vinh từng bước khẳng định được thương hiệu, không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn cho xuất khẩu. Giá cam quả trong vùng chỉ dẫn địa lý tăng lên gấp 10 lần. Người dân vui mừng đón nhận những thành quả vàng từ cam tạo nên làn sóng người người trồng cam, nhà nhà trồng cam.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” trước đây, việc thu thập lấy mẫu để xác định hình thái và chất lượng của quả cam chỉ giới hạn trong 3 giống cam được trồng ở 12 xã thuộc 5 huyện, đây là vùng đã được du nhập các giống cam đầu tiên vào tỉnh Nghệ An và đây cũng được xác định là vùng lõi của sản phẩm cam “Vinh”. Việc chỉ giới hạn 3 giống cam và khoanh vùng chỉ dẫn địa lý trong 12 xã thuộc 5 huyện chưa phản ánh hết được thực trạng sản xuất cam của tỉnh Nghệ An.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 4662/QĐ-UBND về việc phê duyệt thuyết minh Đề tài KHCN "Nghiên cứu bổ sung giống cam mới vào danh mục giống cam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vinh và mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh". Để cây cam khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng được mong muốn của người sản xuất và người tiêu dùng, từng bước khẳng định tính đặc hữu của sản phẩm mang thương hiệu quốc gia là điều cần thiết.

Ngày 16/10/2019, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm cam “Vinh”. Cụ thể đã bổ sung giống cam V2 và mở rộng khu vực địa lý từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An. Bao gồm các huyện: Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông.

Thực trạng vùng cam

Tôi muốn lấy mốc thời gian năm 2007 để bắt đầu câu chuyện của cam Vinh. Bởi phải đến thời gian đó thì cam Vinh mới được gọi tên trên bản đồ cây ăn quả Việt Nam. Sự xuất hiện muộn nhưng đặc biệt. Sang trọng, hồi hộp chẳng khác gì một cuộc trao vương miện. Có Bộ trưởng về trao văn bằng bảo hộ, có các ban ngành chứng kiến, kỳ vọng, có sự reo hò cổ vũ của người trồng cam, đặc biệt có sự hài lòng, tin tưởng của người tiêu dùng. Cam Vinh không phải là cam trồng trên đất Vinh, cũng không hẳn là việc thay đổi tên gọi từ cam xã Đoài vốn đã nức tiếng xa gần.

Cam Vinh là cam quả trồng trong vùng được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao gồm các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn. Mà không phải cam nào trồng trên vùng đất ấy cũng là cam Vinh. Phải là cam của 3 giống Xã Đoài, Vân Du, Sông Con theo Quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Sau này, chỉ dẫn bảo hộ vùng cam được mở rộng thêm, từ 5 huyện lên 11 huyện, bao gồm các huyện: Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông. Thêm nữa, giống cam V2 được bổ sung vào ngân hàng giống của Cam Vinh tạo nên sự đa dạng về hình thức, mẫu mã và chất lượng cam quả.

Cây cam đã trở thành cây chủ lực, là con gà đẻ trứng vàng. Tuy nhiên, đến năm 2020 diện tích vùng cam có dấu hiệu chững lại. Theo đó, năng suất và sản lượng cam cũng có dấu hiệu giảm dần.

Theo số liệu Cục thống kê cung cấp, năm 2021 toàn tỉnh có 4.734,84 ha cam, giảm nhẹ so với năm 2020 (4.735,00 ha) với sản lượng đạt 12.880 tấn. Trong đó, 10 huyện trồng cam nhiều và gần như chiếm hầu hết diện tích trồng cam của cả tỉnh (Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa) thì tổng diện tích năm 2020 là 4.460 ha, đến năm 2021 còn lại 3.930 ha.

Ở 10 huyện trồng nhiều cam và chiếm hầu hết diện tích trồng cam của cả tỉnh thì cây cam bị suy thoái là 1.624,7 ha, chiếm 59,9% trên tổng số 2.644,6 ha cam hiện có. Trong đó, diện tích suy thoái theo mức độ: nhẹ là 546,1 ha, chiếm 33,6%; trung bình là 733,3 ha, chiếm 45,1% và nặng là 345,3 ha, chiếm 21,3% trên tổng diện tích suy thoái. Cây cam bị suy thoái ở tất cả các độ tuổi, trong đó giai đoạn bắt đầu kinh doanh cho sản phẩm (4 – 7 năm tuổi) bị suy thoái nhiều nhất với 1.130,3 ha, chiếm 69,6% tất cả các độ tuổi.

Từ suy thoái đến biến mất là một quãng đường ngắn. Nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, đặc biệt là các hộ dân trồng cam, thương hiệu cam Vinh có thể chỉ còn là một cái tên.

Băn khoăn giải pháp

Người viết không có ý định đi tìm nguyên nhân của việc suy thoái cam. Đó phải là một việc làm nghiêm túc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức với các luận cứ khoa học thuyết phục. Nhưng trước thực tế suy thoái của cây Cam mà đặc biệt là nguy cơ biến mất của một thương hiệu thì không khỏi trăn trở về các giải pháp phục hồi. Mỗi trăn trở là một câu hỏi, một mong muốn được giải tỏa từ các cấp chính quyền, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và đặc biệt là sự hào hứng trở lại của những người đã từng một lòng một dạ với cây cam.

Từ việc chọn giống cây sạch sâu bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, việc áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, canh tác và cải tạo đất đến việc thu hoạch sản phẩm đều phải tuân thủ đúng quy trình và có sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các huyện trong vùng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam Vinh thì “khoảng gần 20% giống cam được mua trôi nổi trên thị trường và gần 20% giống được người dân chọn cây tốt ở các vườn lấy mắt ghép hoặc chiết cành. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu rau quả, cành chiết và mắt ghép không khai thác trên những vườn cây cam đầu dòng, vườn cây cam ưu tú nên sau khi trồng ra ngoài sản xuất cây cam phát triển bình trường, sau trồng cây cam từ 3 đến 5 năm, cây bắt đầu có hiện tượng vàng lá thối rễ…”.

Đó là băn khoăn về cây giống ban đầu.

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam vẫn còn nhiều bất cập. Tập huấn đúng, đủ đã đành, việc người dân áp dụng có đúng theo quy trình được tập huấn hay không còn là một câu chuyện dài. Qua báo cáo và khảo sát thực tế tại các huyện, người trồng cam chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam, hầu như tự học hỏi các vườn đã trồng trước. Các kiến thức có tính chuyên sâu để quản lý dinh dưỡng, dịch bệnh thì hầu hết người dân chưa nắm bắt có tính hệ thống. Tại các tổ chức, cá nhân trồng cam quy mô lớn thì chủ vườn có kiến thức cơ bản tốt để trồng và chăm sóc cam hoặc thuê các chuyên gia quản lý kỹ thuật cho vườn nhưng tỷ lệ này là rất ít so với tổng số người trồng cam.

Đó là băn khoăn về việc áp dụng quy trình kỹ thuật.

Rồi “hỗ trợ” ở đâu khi người dân tự mình loay hoay đưa sản phẩm ra thị trường. Thị trường thì ngày càng nhiều biến động. Hiện tượng được mùa mất giá là một ám ảnh làm chùn chân biết bao người trồng cam khi liên kết chuỗi giữa người trồng cam và tiêu thụ đang còn yếu, kênh tiêu thụ cam Vinh chính hiện nay vẫn chủ yếu là do thương lái địa phương thu mua và tiêu thụ.

Đó là băn khoăn về sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, sự sát cánh của các hiệp hội, doanh nghiệp.

Cam Vinh đang trên đà suy thoái là thực tế. Việc phục hồi lại thương hiệu cam Vinh đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường không chỉ là mong mỏi của người dân mà còn là niềm đau đáu của các cấp chính quyền. Cơ hội nào cho cam Vinh trở lại sau những tổn thương từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, từ thời tiết cực đoan khó lường, từ sâu bệnh chưa kịp thời kiểm soát… Đó là câu hỏi lớn. Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, trả lời cử tri, người đứng đầu ngành nông nghiệp ở Nghệ An khẳng định. “Những vùng bị nhiễm bệnh dứt khoát phải bỏ, thay thế bằng những cây trồng phù hợp để cải tạo, phục hồi đất và môi sinh. Sở NN-PTNT Nghệ An đã trình UBND tỉnh chương trình phục hồi cây cam Vinh một cách bài bản. Riêng những diện tích cam có thể phục hồi sẽ áp dụng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc thật tốt, đồng thời chủ động kết nối thị trường, quyết giữ được thương hiệu cam Vinh”.

Chúng ta chờ đợi sự trở lại của Cam Vinh, huy hoàng rực rỡ như đã.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.