Chiến dịch truyền thông "Con an toàn - Cha mẹ ở ngay đây" nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Liên minh Châu Âu hỗ trợ về tài chính.
Chiến dịch nhằm cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt cha mẹ, người chăm sóc trẻ, nhà trường, các cán bộ xã hội… về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cách thức xử lý, thu thập chứng cứ, quy trình tiếp cận dịch vụ y tế khám thương ban đầu, yêu cầu trợ giúp và hỗ trợ pháp lý khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, riêng tại TP Hà Nội, từ năm 2015 đến năm 2019 đã xảy ra hơn 600 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó hơn 40 trường hợp là trẻ em bị xâm hại tình dục. Mặc dù trong những năm gần đây, TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nhưng thực tế còn nhiều hạn chế.
Công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế do chưa truyền thông hiệu quả. (Ảnh: Internet) |
Một trong những nguyên nhân được đề cập đến là do hình thức truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em còn khó hiểu, chưa tiếp cận được một số đối tượng.
Nhiều hình thức truyền thông, cả online lẫn offline sẽ được sử dụng để lan toả các thông điệp nhân văn của chiến dịch tới cộng đồng như tọa đàm trực tuyến; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng (dự kiến tổ chức tại quận Hà Đông, các huyện Ba Vì và Chương Mỹ); sản xuất các video clip, xây dựng cẩm nang dành cho từng nhóm đối tượng...
Đồng thời, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam,Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) sẽ đăng tải nhiều bài truyền thông trên trang Fanpage chính thức của hai đơn vị trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và hỗ trợ tiếp cận tư pháp thân thiện cho nhóm trẻ em bị xâm hại tình dục là rất cần thiết, theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng. Bởi không chỉ cơ quan quản lý, mà gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
|
Đồng quan điểm này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, chúng ta phải nỗ lực giảm càng nhiều càng tốt những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Như vậy, quan trọng là phòng ngừa, chứ không phải đến lúc sự việc xảy ra rồi mới giải quyết. Muốn phòng ngừa tốt thì đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên. Trong đó, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã quy định rất rõ trách nhiệm bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cha mẹ.