Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ Văn, Hệ thống Giáo dục Vinschool nhận xét: Đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Viết (7 điểm).
Ở phần Đọc hiểu, văn bản ngữ liệu được trích trong tác phẩm “Dòng sông và những thế hệ của nước” của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Hệ thống câu hỏi ở phần này phân hóa theo các thang mức độ: Nhận biết (Câu 1); Thông hiểu (Câu 2, 3) và Vận dụng (Câu 4). Khi trả lời các câu hỏi này, học sinh cần trả lời đúng, đủ trọng tâm, cụ thể.
Ở phần Làm văn (Vận dụng cao), phần viết đoạn văn nghị luận xã hội – trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính; phần nghị luận văn học đề ra vào tác phẩm Đất Nước, đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm. Phần câu hỏi phụ yêu cầu học sinh chỉ ra chất suy tư đan xen với cảm xúc trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích. Đề thi tương đối phù hợp với khả năng của học sinh, phần câu hỏi phụ có tính phân hóa học sinh cao.
Theo cô Quỳnh Anh, đề thi này không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học. Điều quan trọng là thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, cần dành khoảng 20 đến 25 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút.
Cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường Tiểu học – Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội) phân tích: Câu 1 phần Đọc hiểu thay vì hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… như các đề học sinh thường ôn luyện thì được thay bằng một câu khác, tuy nhiên câu hỏi vẫn nằm trong mức độ nhận biết. Phần Đọc hiểu vẫn đảm bảo có sự phân hoá nhưng mức độ phân hóa của đề chưa cao. Nếu học sinh cẩn thận, đọc kĩ ngữ liệu thì không quá khó để giải quyết các câu hỏi ở mức 3, mức 4. Bức thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đoạn trích cũng khá nổi bật.
Về phần Làm văn, đối với vấn đề nghị luận này, học sinh sẽ tự tin nêu quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Cùng với kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đã được rèn luyện, các em sẽ không bị lúng túng khi bắt gặp đề bài này.
Ở phần nghị luận văn học, điểm đáng chú ý, năm nay là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa. Bài “Đất Nước” cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình dạy học và ôn luyện thi. Yêu cầu phụ của đề cũng không quá khó, giúp học sinh đánh giá được giá trị nghệ thuật của đoạn trích nói riêng và đặc điểm phong cách của tác giả nói chung. Tuy nhiên, ngữ liệu văn bản hơi dài, học sinh sẽ khá khó khăn trong việc cân bằng thời gian và bố cục bài làm.
Cô Nguyễn Thị Thư cho rằng, với đề thi này, học sinh không khó để đạt được mức 6 – 7,5 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh sẽ phải có những phần phân tích, bàn luận sâu cũng như liên hệ, mở rộng nâng cao, tô sáng bài làm của mình.