Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Do dịch bệnh COVID-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức muộn hơn thường niên, song kỳ thi không xáo trộn.
Đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19, không đánh đố thí sinh. Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh. Trong bất cứ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi đều phải có tính phân hóa.
Đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc. Để đạt được điểm 9, 10 các em phải học thực sự tốt. Các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh ôn tập, đây là cơ sở để Bộ làm đề thi chính thức. Đề thi chính thức sẽ đáp ứng mục tiêu của kỳ thi và hỗ trợ tốt nhất cho công tác tuyển sinh, đảm bảo phân hóa học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, yếu kém
Bên cạnh đó, các em cần tham khảo đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, từ đó có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng học tập, đăng ký đúng nguyện vọng mà mình mong muốn.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khuyên các thí sinh phải ghi những mốc thời gian quan trọng để tránh bỏ lỡ những việc cần thiết, ảnh hưởng đến việc dự thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng.